Sản phẩm du lịch mang dấu ấn văn hoá vùng miền
Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 1952/QĐ-BVHTTDL về việc đưa "Tập quán xã hội và tín ngưỡng Chợ Phong Lưu Khâu Vai", xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang vào Danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Với lịch sử hơn 100 năm hình thành, chợ tình Khâu Vai hàng năm là phiên chợ nổi tiếng ở Hà Giang, mỗi năm chỉ họp duy nhất một lần vào ngày 27/3 âm lịch tại bản Khâu Vai, xã Khâu Vai, huyện Mèo Vạc.
Những năm gần đây, huyện Mèo Vạc và tỉnh Hà Giang đã đưa chợ tình Khâu Vai lên thành Tuần Văn hóa du lịch Lễ hội Chợ tình Khâu Vai, với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo, nhằm thu hút du khách nên chợ thường kéo dài khoảng 3 ngày.
Trong khuôn khổ lễ hội, Hà Giang đã xây dựng nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn, mang đậm bản văn sắc dân tộc như: Hội thi người đẹp miền Cao nguyên đá; Lễ dâng hương miếu Ông, miếu Bà; Lễ cầu duyên; Lễ cầu an; các hoạt động trò chơi dân gian truyền thống tại khu vực Mê cung đá và trung tâm xã Khâu Vai, như: Thi leo cột chinh phục tình yêu; thi đánh yến; thi ném pao; tung còn giao duyên; thi bắn nỏ…
Anh Lê Quang Khải, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Trước giờ tôi chỉ được nghe, được đọc về truyền thuyết Chợ tình. Nhưng lần đầu đến Hà Giang tham gia, tôi thật sự bất ngờ, bởi không khí lễ hội và các hoạt động mang đậm bản sắc người dân tộc Giáy, Tày, Nùng nơi đây. Chắc chắn tôi sẽ quay lại cùng gia đình, trải nghiệm văn hoá đặc sắc, cũng như tham quan, ngắm cảnh tại vùng cao nguyên đá Hà Giang này”.
Từ một lễ hội của vùng với ý nghĩa nhân văn dành cho những cặp đôi nam nữ đến ôn lại chuyện nghĩa cũ tình xưa, Chợ tình Khâu Vai nay đã trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh Hà Giang, tạo nên điểm nhấn của mình trên bản đồ du lịch.
Tương tự, ở vùng Tây Nam bộ, từ một ngày Tết truyền thống của đồng bào Khmer, Chôl Chnăm Thmây, được xem là một trong những sự kiện du lịch nổi bật của Đồng bằng sông Cửu Long. Mỗi dịp Tết, khách du lịch từ khắp các vùng miền đổ về đây hòa mình vào không khí vui tươi, nhộn nhịp và ghi lại cho mình những khoảnh khắc tuyệt vời nhất.
Tết Chôl Chnăm Thmây càng trở nên náo nhiệt hơn, khi du khách cùng nam nữ thanh niên Khmer thỏa thích vui chơi ca hát các điệu dù kê, rô băm, múa lâm thôn... trải nghiệm ẩm thực, tham quan du lịch và thưởng thức các đặc sản của địa phương…
Đây chính là cơ hội lan tỏa hình thức du lịch cộng đồng, bảo tồn và giới thiệu văn hóa Khmer đến với đông đảo du khách. Các lễ hội của người Khmer đang từng bước trở thành một sản phẩm du lịch đặc biệt, thu hút hàng vạn khách du lịch trong nước và quốc tế mỗi năm.
Những ví dụ trên, là một chỉ dấu tích cực cho việc bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững.
Biến di sản thành tài sản
Tổ chức Du lịch thế giới - UNWTO nhận định, đến năm 2030, khách du lịch đi với mục đích thăm viếng, sức khỏe, tôn giáo sẽ chiếm 31% tổng lượng khách du lịch; với mục đích thăm quan, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí chiếm 54%; với mục đích công việc và nghề nghiệp chiếm 15%.
Dự báo này chứng minh một thực tế rằng, du khách ngày càng quan tâm tới nhu cầu trải nghiệm hướng tới những giá trị mới, được thiết lập trên cơ sở giá trị văn hóa truyền thống (tính khác biệt, đặc sắc, nguyên bản), giá trị tự nhiên (tính nguyên sơ, độc đáo).
PGS.TS. Dương Văn Sáu, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, du lịch lấy văn hóa làm nền tảng, còn văn hóa lấy du lịch làm động lực. Trong kinh tế du lịch, văn hóa là một trong những tài nguyên, nguồn lực quan trọng nhất; là một loại “nguyên liệu” để tạo ra những sản phẩm du lịch mang tính đặc thù.
Hệ thống các di sản văn hóa phi vật thể, không chỉ tạo nên sự đa dạng về loại hình du lịch tại địa phương mà còn là cơ sở để bảo tồn, phát huy, quảng bá những giá trị tốt đẹp, đa dạng hóa bức tranh văn hóa 54 dân tộc mà còn là điều kiện, cơ hội tốt để kết hợp phát triển du lịch, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Trên thực tế, các hình thức du lịch tại vùng đồng bào DTTS, sẽ phải cạnh tranh mạnh với các loại hình du lịch khác đang rất phát triển. Tuy nhiên, chính những di sản văn hóa phi vật thể này có thể tạo ra dấu ấn, sự khác biệt, độc đáo. Đó cũng là nét thu hút đặc biệt, phân biệt vùng này với vùng miền kia.
Khi kết hợp với du lịch, di sản văn hóa thực sự trở thành tài sản đúng nghĩa. Những lợi ích thu được từ các hoạt động du lịch đó, sẽ chi phối trở lại các hoạt động của di sản, tạo điều kiện cho di sản tồn tại và phát triển bền vững; mang lại những lợi ích to lớn cho cộng đồng cư dân - chủ nhân của các di sản văn hóa.
Trên thực tế, đã có những vùng đất như Sa Pa (Lào Cai); Đồng Văn, Mèo Vạc (Hà Giang), Mai Châu (Hòa Bình)... đã thay da đổi thịt nhờ vào phát triển du lịch gắn với việc khai thác, phát huy các di sản văn hóa.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, mở rộng giao lưu văn hóa và phát triển du lịch của Việt Nam hiện nay, du lịch gắn với di sản văn hóa của đồng bào các DTTS đang chiếm một phần quan trọng trong ngành Du lịch.