Niềm vui ở những điểm trường mới
Bản Háng Pa, xã Chiềng Sơ, huyện Điện Biên Đông (Điện Biên) là bản ĐBKK, nơi có 100% người Mông sinh sống. Vào những ngày mùa đông giá rét, bản vùng cao này thường xuyên chịu cái lạnh thấu sương dưới 0 độ. Vì cuộc sống còn nhiều khó khăn nên cái chữ đến với con em đồng bào DTTS vẫn là một hành trình đầy trắc trở. Trước đây, bản có một điểm trường tiểu học (lớp 1 và lớp 2) nhưng đã xuống cấp trầm trọng. Những hôm mưa gió, thầy và trò vừa học vừa lo chạy mưa vì nước dột tứ tung. Vì vậy mà nhiều học sinh chỉ đi học độ năm bữa nửa tháng đã nghỉ học ở nhà.
Thấu hiểu nỗi khó khăn của học trò vùng cao, từ đầu năm 2019, các tổ chức xã hội đã quan tâm đầu tư xây dựng điểm trường mới. Thầy giáo Nguyễn Đức Long, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chiềng Sơ vui mừng chia sẻ, hiện nay trường có một trụ sở và 10 điểm trường trải đều các bản với 706 học sinh. Một trong những điểm trường khó khăn nhất chính là điểm trường Háng Pa. Thế nhưng năm học này, thầy và trò nơi đây vui mừng được xây dựng cơ sở mới khang trang. Điểm trường đã được đầu tư 2 phòng học đạt tiêu chuẩn, một nhà vệ sinh, phòng công vụ cho giáo viên. Nhờ vậy, đây là năm đầu tiên, các cháu ở độ tuổi đến trường có mặt đầy đủ. Ngay buổi khai giảng, lớp 1 đã đón 20 em học sinh và lớp 2 đón 15 cháu đến điểm trường.
“Chúng tôi hy vọng rằng với cơ sở mới sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho thầy và trò nơi đây. Qua đó, sự nghiệp giáo dục vùng cao sẽ được cải thiện góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương” thầy Nguyễn Đức Long bày tỏ.
Cùng niềm vui chung đó, thầy giáo Trần Bình Thường – Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Ama Trang Lơng, xã Hla, huyện Chư Pưh (Gia Lai) cho biết, nhờ sự quan tâm của Nhà nước, năm học 2019 - 2020, nhà trường được bàn giao nhiều hạng mục công trình mới như, nhà ở bán trú, nhà ăn và sân bê tông với tổng kinh phí 7,1 tỷ đồng. Những công trình mới đưa vào sử dụng đã và đang góp phần giúp cho các em học sinh DTTS có thêm các điều kiện để học tập, giúp cho con đường tiếp cận tri thức của học sinh DTTS bớt gập ghềnh vất vả.
Chia sẻ về công tác giáo dục vùng DTTS và miền núi, ông Lê Như Xuyên, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, trong thời gian qua, giáo dục dân tộc luôn nhận được sự quan tâm sâu sắc và toàn diện của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội.
Các điểm trường lẻ, lớp ghép được mở ở hầu hết các thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo cơ hội cho trẻ em các DTTS trong độ tuổi được đi học; mạng lưới trường trung học đã phát triển đến khắp các xã, huyện.
Cơ sở vật chất của hệ thống giáo dục vùng DTTS, miền núi cũng được đầu tư ngày một khang trang. Đến nay, chúng ta đã cơ bản xóa bỏ được các phòng học 3 ca, phòng học tạm; tạo điều kiện cho hàng triệu học sinh được ngồi học trong các phòng học kiên cố và giải quyết điều kiện chỗ ở cho hàng vạn giáo viên.
Hiện nay, 49 tỉnh, thành đã thành lập được 316 trường THPT nội trú, với quy mô trên 102.000 HS; 28 tỉnh có trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) với số lượng 1.097 trường và 185.671 học sinh. Trong số này có tới 45% số trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia.
Cùng với các chính sách về thực hiện phổ cập giáo dục, cử tuyển, xóa mù chữ…; Ngành Giáo dục còn chú trọng thực hiện chính sách để đảm bảo điều kiện thực hiện như, chế độ chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
Nhờ sự nỗ lực không biết mệt mỏi của các cấp ngành mà thành tích của công tác giáo dục miền núi ngày càng thêm khởi sắc. Năm học 2018 - 2019 thành tích của học sinh DTTS xuất sắc, tiêu biểu của cả nước tăng hơn cả về số lượng và chất lượng. Cả nước có 18 em học sinh DTTS đạt giải nhất, nhì trong cuộc thi học sinh giỏi quốc gia; 6 em đạt giải nhất, nhì trong cuộc thi khoa học - kỹ thuật cấp quốc gia; 10 em học sinh DTTS rất ít người không học trường THPT dân tộc nội trú trúng tuyển vào trường đại học…