Mắt núi Bùi Hui
Ghìm nhẹ cổ tay cho thanh âm chiếc chiêng ba dịu lại, anh Đinh Văn Sây (40 tuổi, trưởng làng Teng, xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) ngước mắt lên nhìn về xứ Bùi Hui- thung lũng đã từng chứng kiến những thăng trầm lịch sử của đồng bào Hrê. Mái tóc buộc gọn nhưng vẫn lất phất những lọn tóc dài phủ xuống gương mặt với nước da nâu giòn, đôi mắt tinh anh rực sáng như vì sao đêm xứ núi, khuôn miệng mím lại theo mỗi nhịp chiêng ba, nhìn Sây như phiêu lãng với bản hòa tấu chiêng của người Hrê.
Sây bảo, lâu rồi không nhớ nữa, từ những ngày chập chững biết đi, cái tay biết sờ vào dàn chiêng, cái tai biết lắng nghe nhịp chiêng, thì những làn điệu ta lêu, ca choi, những nhịp chiêng như ngấm vào máu thịt của Sây rồi. Từ ngày còn rất nhỏ, Sây đã theo cha chống chếnh với những nhịp chiêng, với những điệu múa của trai gái Hrê ở thung lũng Bùi Hui miền núi Ba Tơ này. “Ba mẹ mình và những người lớn tuổi trong làng rất say mê ta lêu, ca choi. Chính vì thế ngay từ nhỏ, những giai điệu quyến rũ và cũng là tiếng lòng của người Hrê như đã ngấm vào trong máu mình”, Sây thổ lộ.
Bây giờ, Sây là một trong số ít những người trẻ của làng Teng, của xã Ba Thành luôn say mê, sử dụng thành thạo nhạc cụ, hát các làn điệu dân ca của dân tộc mình; góp sức trẻ vào việc giới thiệu, truyền bá nét văn hóa độc đáo của dân tộc mình trên truyền hình, qua internet, trên mạng xã hội, và cả với những du khách trong và ngoài nước khi đến du lịch, tham quan tại Ba Tơ.
Phiêu lãng với chiếc chiêng ba trong tay, Sây bảo chiêng ba của người Hrê mới được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia vào giữa năm 2021. Đó không chỉ là sự công nhận về nét độc đáo của văn hóa Hrê, mà còn là động lực để những người gìn giữ chiêng ba có thêm niềm tin vào văn hóa dân tộc. Chỉ từng chiếc, Sây say mê giải thích, chiêng ba là nhạc khí phổ biến nhất của người Hrê và mang tính đặc trưng tiêu biểu của của đồng bào Hrê ở huyện Ba Tơ. Đa số chiêng của người Hrê là dàn chiêng ba chiếc. Ba chiếc chiêng (chinh) có kích cỡ không bằng nhau. Chiếc lớn có tên là chinh vông hay chinh cha, chiếc nhỏ hơn là chinh tum hay chinh mẹ, chiếc nhỏ nhất là chinh túc hay là chinh con. Người Hrê huyện Ba Tơ rất coi trọng bộ chiêng được cất giữ trong gia đình, trong đó quý nhất là chiêng ba. Hiện trên địa bàn huyện có 890 hộ gia đình có chiêng, với trên 900 bộ chiêng ba và 740 người biết sử dụng chiêng.
Dấu gạch nối của thời gian
Với nhiều người, nỗi lo lắng về sự mai một của văn hóa dân tộc là điều có thật. Nhưng có lẽ, với người Hrê ở thung lũng Bùi Hui này, thì Sây chính là gạch nối của thời gian, người níu giữ những hồn cốt Hrê của cha ông và thổi sức sống ấy vào lớp người trẻ tuổi. Bởi Sây nhận thấy rằng: “Thế hệ trẻ trong làng rất ít người tìm hiểu về văn hóa truyền thống. Sợ các giá trị văn hóa bị mai một, tôi quyết định đứng lên kêu gọi thanh, thiếu niên trong làng tập đánh chiêng” Sây chia sẻ.
Được sự ủng hộ, động viên của các già làng, Sây bắt đầu đi vận động thanh, thiếu niên trong làng học đánh chiêng cổ, học hát dân ca. Sây còn chủ động đưa thanh niên trong làng đi xem các hội diễn, hội thi để khơi dậy tình yêu văn hóa trong mỗi người. Khi làng Teng phát triển du lịch văn hóa cộng đồng, Đội chiêng làng được thành lập với những thành viên đều là nam nữ thanh niên, dần dần thu hút được nhiều người tham gia vừa tập luyện, vừa biểu diễn tại các đêm hội trong làng trong xã, hay tham dự các đêm diễn của huyện, của tỉnh và các khu vực.
Làm trưởng làng ở tuổi 40, với Sây đó không chỉ là một chức danh, mà đó là sự tin tưởng của người làng, của các cấp, ngành chức năng. Và cứ thế, ngày lại ngày ngoài đảm nhiệm công việc của một trưởng làng, Sây lại dành nhiều thời gian xây dựng phong trào văn nghệ ở làng xã, huyện. Người làng khi thì thấy anh lặn lội khắp làng trên, xóm dưới vận động tuyên truyền Nhân dân về các đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước, nhưng tối đến lại “hóa thân” thành nghệ sĩ biểu diễn những làn điệu ta lêu, ca choi, hay đắm mình với nhịp chiêng ba rung rinh cả núi rừng.
Ước mơ ở tuổi 40 của vị trưởng thôn ấy chẳng có gì nhiều, như cách anh cười hiền và xoay nhẹ chiếc chiêng ba trong tay mình, anh bảo chỉ mong có nhiều dịp được mang những làn điệu ta lêu, ca choi, múa cồng chiêng của người Hrê đi biểu diễn ở khắp nơi. Có nhiều dịp được cùng những “đồng nghiệp” của mình quảng bá những nét đẹp âm nhạc, ẩm thực, văn hóa của người Hrê. Những chuyến biểu diễn này giúp anh cũng như nhiều đồng nghiệp, nhiều nghệ nhân của các dân tộc khác có cơ hội trau dồi, học hỏi từ bạn bè phương xa. Từ đó sẽ nảy ra nhiều sáng kiến nhằm thu hút người trẻ trở lại với âm nhạc của cha ông.
Ông Phạm Văn Thước, Phó chủ tịch UBND xã Ba Thành cho biết: “Đinh Văn Sây không chỉ là trưởng thôn gương mẫu, nhiệt tình và có trách nhiệm trong công tác. Anh còn là một tấm gương tiêu biểu trong hoạt động gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc như thành lập, truyền dạy và duy trì các đội cồng chiêng thanh, thiếu niên tại địa phương”.
Trưởng phòng Văn hóa Thông tin huyện Ba Tơ - Trần Thị Thanh Thuý chia sẻ: "Những người trẻ nhưng rất mặn mà với nghệ thuật dân tộc như anh Đinh Văn Sây là tín hiệu rất đáng mừng. Bởi, những hạt nhân văn hóa, nghệ thuật như anh Sây không chỉ góp phần gìn giữ mà còn là người truyền dạy, quảng bá nghệ thuật dân tộc của người Hrê".
Ở xã Ba Thành này, tìm được một trưởng thôn, trưởng làng ở độ tuổi 40, am hiểu về văn hóa dân tộc mình, miệt mài với những nhịp chiêng, say sưa với từng điệu múa Hrê, thổn thức với từng lời dân ca, cặm cụi với từng món ăn dân tộc, hay tỉ mẩn ngồi ngắm những đường dệt thổ cẩm, có lẽ chẳng có mấy người được như Sây.
Đinh Văn Sây kể, lần gần đây nhất đội văn nghệ do anh dẫn dắt đã được Huy Chương Vàng toàn quốc trong chương trình Đàn - Hát dân ca ba miền năm 2021 với tiết mục hoà tấu chiêng "Sức mạnh trai làng Hrê”. “Mong một ngày nào đó những làn điệu ta lêu, ca choi, tiếng cồng chiêng trầm hùng của người Hrê không chỉ vang vọng khắp núi rừng Ba Tơ, mà còn vươn tới những miền đất khác trong cả nước, thậm chí nước ngoài". Sây cười và nói với chúng tôi bên bếp lửa nhà sàn vào một buổi chiều khi những ngôi nhà đang lên khói lam ở thung lũng Bùi Hui.