Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ trao quyết địn cho bác sỹ về công tác tại đơn vị diện thu hút bác sĩ theo Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND ngày 08/12/2023 của HĐND tỉnh Quảng NinhBước đột phá của một chính sách
Điển hình là Nghị quyết 28/2023/NQ-HĐND (8/12/2023) của HĐND tỉnh “Quy định chính sách thu hút bác sĩ về làm việc tại một số đơn vị thuộc tỉnh đến năm 2025”, từ ngày 1/1/2024 đến hết năm 2025, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu thu hút tối thiểu 298 bác sĩ về làm việc tại các tuyến y tế trong toàn tỉnh. Nghị quyết được đánh giá, là một bước đột phá trong việc thu hút nhân lực y tế.
Theo Nghị quyết, các bác sĩ làm việc tại các đơn vị sự nghiệp công lập sẽ nhận hỗ trợ một lần từ 200 đến 750 triệu đồng, tùy vào trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, họ còn được hưởng phụ cấp hàng tháng nếu công tác tại khu vực khó khăn.
Không chỉ dừng lại ở các hỗ trợ tài chính, tỉnh còn cam kết bố trí chỗ ở miễn phí để bác sĩ có thể yên tâm công tác lâu dài. Chính sự quan tâm chân thành và cam kết rõ ràng từ địa phương, đã tạo động lực để nhiều bác sĩ trẻ quyết định ở lại vùng cao, không chỉ vì chính sách đãi ngộ mà còn vì cơ hội phát triển nghề nghiệp.
Bác sĩ Chuyên khoa II Đoàn Ngọc Thanh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ba Chẽ, chia sẻ: “Mới đây chúng tôi đã tiếp nhận thêm bác sĩ trình độ sau đại học về công tác tại trung tâm y tế huyện, trạm y tế xã. Các đồng chí nhận công tác được hỗ trợ từ nơi ở đến công việc, giúp họ có động lực cống hiến lâu dài cho địa phương”.
Nhờ những chính sách thiết thực từ Nghị quyết 28 và sự linh động từ các cơ quan, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, góp phần thu hút được bác sĩ về công tác tại các Trung tâm Y tế và Trạm y tế, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại các vùng khó khăn.
Song song, để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến cơ sở, Quảng Ninh triển khai mô hình luân phiên bác sĩ từ tuyến tỉnh về tuyến huyện, từ huyện xuống xã. Bác sĩ được tiếp cận thực tiễn vùng khó, đồng thời chuyển giao chuyên môn cho đồng nghiệp tại chỗ.
Năm 2024, ở Quảng Ninh có hơn 60 bác sĩ ở các lĩnh vực như nhi khoa, ngoại khoa, chẩn đoán lâm sàng được tuyển dụng về tuyến xã, huyện, trong đó có 07 bác sĩ đa khoa làm việc tại các trạm y tế. Đây là những đội ngũ nhân lực chất lượng cao, vừa góp phần giải quyết bài toán thiếu hụt bác sĩ ở vùng miền núi, biên giới, hải đảo vừa góp phần nâng cao chất lượng y tế tuyến cơ sở, giúp giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.
Cùng với đó, Nghị quyết 05/2022/NQ-HĐND về hỗ trợ đào tạo sau đại học đang phát huy hiệu quả. Tính đến nay, 67 bác sĩ trong tỉnh đã được cử đi học chuyên khoa I, II, thạc sĩ – tạo lực đẩy chuyên môn, đồng thời giữ người bằng cơ hội phát triển nghề nghiệp. Tỉnh cũng mở rộng hợp tác quốc tế. Dự kiến năm 2025, 86 cán bộ y tế sẽ tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn tại Quảng Tây (Trung Quốc), giúp cập nhật kỹ thuật tiên tiến, phục vụ người dân tốt hơn.
Bằng những chính sách thiết thực, tỉnh Quảng Ninh không chỉ thu hút bác sĩ từ các nơi khác mà còn phát triển nguồn nhân lực y tế tại chỗHướng tới hệ thống y tế bền vững
Mô hình thu hút và giữ chân bác sĩ của Quảng Ninh, là minh chứng cho tư duy đổi mới và hành động quyết liệt. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, tỉnh cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở vật chất, tạo điều kiện học tập, nâng cao trình độ cho đội ngũ y tế, đồng thời linh hoạt điều chỉnh chính sách để phù hợp thực tiễn.
Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho biết, trên thực tế đối với bác sĩ y tế cơ sở thì cần trình độ cơ bản trở lên và đào tạo dần để đảm bảo mỗi xã, phường có một bác sĩ để chăm sóc sức khỏe cho người dân.
“Chúng tôi đã tham mưu cho tỉnh và sẽ xây dựng nghị quyết luân phiên bác sĩ từ tuyến tỉnh về tuyến huyện và từ tuyến huyện về tuyến xã để đảm bảo được rằng, lúc nào cơ sở cũng có những bác sĩ tốt nhất. Đồng thời, chúng tôi cũng sẽ đề nghị với chính phủ, với Bộ Y tế, với Bộ Giáo dục việc tiếp tục đẩy mạnh đào tạo bác sĩ theo địa chỉ”, ông Diện nhấn mạnh.
Với những chính sách thiết thực và chiến lược bền vững, việc thu hút và giữ chân bác sĩ của Quảng Ninh đã tạo động lực mạnh mẽ cho đội ngũ y tế và củng cố hệ thống y tế cơ sở.
Tuy nhiên, để phát triển bền vững, tỉnh cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở vật chất, mở rộng cơ hội học tập và nâng cao chất lượng đào tạo, ví dụ như, ngoài chính sách cử tuyển, có thể nghiên cứu xem xét mở rộng chính sách đầu tư, hỗ trợ con em tại địa phương, con em người DTTS không thuộc diện được thụ hưởng chính sách, có khả năng theo học ngành y là người ở địa phương với cam kết để quay về phục vụ quê hương để từng bước bổ sung đủ nguồn nhân lực..., đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.