Chương trình nhằm thúc đẩy vai trò tiên phong của thanh niên trong chuyển đổi số nông nghiệp, xây dựng, phát triển bền vững cây sầu riêng tại Đắk Lắk; tạo đầu ra ổn định và nâng cao giá trị cây sầu riêng đối với thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, giới thiệu mô hình mới trong sản xuất – tiêu dùng sầu riêng gắn với công nghệ, số hoá cây sầu riêng vật lý thành một tài sản số “Cây sầu riêng của tôi”, tạo một cộng đồng tiêu thụ sầu riêng lớn mạnh trong nước; giải quyết bài toán căn cơ đầu ra trước khi thu hoạch, tạo tiền để để triển khai nhiều mô hình phù hợp.
Anh Vũ Văn Hùng, Phó Bí thư huyện Đoàn Krông Búk, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Trung ương Đoàn và Tỉnh Đoàn Đắk Lắk, Huyện Đoàn Krông Búk tổ chức ra quân Ngày cao điểm xây dựng nông thôn mới và Chủ nhật xanh năm 2024. Đây là dự án thí điểm của Trung ương Đoàn thực hiện tại Đắk Lắk. Các đoàn viên, thanh niên sẽ được tập huấn trước, được trải nghiệm trước về việc số hoá cây tại vườn nhà.
Tại buổi ra quân, gần 50 đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện Krông Búk tiến hành số hóa tại vườn sầu riêng trên địa bàn xã Cư Kbô.
Chia sẻ về quá trình thực hiện số hóa tại vườn sầu riêng, chị H’Ly Kpă, Phó Bí thư Đoàn xã Cư Né cho biết: mỗi đoàn viên thanh niên tham gia số hoá sầu riêng, sẽ tải ứng dụng bandocayxanh.vn, đăng ký tài khoản trên ứng dụng này, sau đó nhập thông tin cá nhân, quét mã QR, tiếp theo nhập thông tin của cây sầu riêng như: năm trồng, kích thước cây trồng, chiều cao, vị trí trồng cây,... chụp hình cây sầu riêng và đăng lên ứng dụng, thông số của cây sầu riêng sẽ được đưa lên hệ thống bandocayxanh.vn.
Chương trình số hóa cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được triển khai từ ngày 1/3/2024 đến tháng 6/2024, quy mô tổng diện tích 125ha. Dự kiến đến tháng 4 chương trình thực hiện số hoá 50%, tháng 5 đạt 80%, đến tháng 6 hoàn thành số hoá tổng diện tích theo mục tiêu chương trình. Ngày 17/3 ra quân số hoá 10.000 cây tại vườn sầu riêng trên địa bàn xã Cư Kbô, huyện Krông Búk.
Mô hình nông nghiệp số không chỉ là một xu hướng tối ưu hóa lợi nhuận, mà là thay đổi cách thức liên kết trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản; xây dựng cộng đồng Nông nghiệp Số, giúp các bên tận dụng tối đa lợi thế nhằm mang lại lợi ích từ chuỗi cung ứng thông minh. Nông nghiệp số 360 sẽ giúp người tiêu dùng thay đổi từ tiêu dùng thụ động sang tiêu dùng chủ động.