Mở hướng tiêu thụ nông sản vùng cao
Trên diện tích đất rộng hơn 5ha nằm tại thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn (Hà Giang); cô gái trẻ Lưu Thị Hòa đang tất bận cùng bà con dân tộc Mông trồng trọt, đóng gói các sản phẩm nông nghiệp để xuất ra thị trường. Hòa kể, thời điểm cách đây 4 năm về trước, đánh dấu “cột mốc” khởi nghiệp trên hành trình đầy gian khó của cô.
Trước khi trở về “sống chết” với những dự án khởi nghiệp về nông nghiệp tại huyện Đồng Văn, Hòa từng làm cho một số công ty nổi tiếng về lĩnh vực marketing. Giữa thời điểm công việc đang ổn định và phát triển, Hòa quyết định “nghỉ việc”, trở về quê hương chọn cho mình lối đi riêng.
“Quê hương mình có điều kiện tự nhiên, khí hậu ổn định thích hợp sản xuất nhiều loại rau, củ quả, tuy nhiên việc sản xuất hiện nay còn manh mún và nhỏ lẻ, không có thị trường đầu ra. Có được nguồn nguyên liệu ổn định, nhưng việc sản xuất theo quy trình thủ công cũng là một hạn chế lớn”, cô gái người Cờ Lao chia sẻ.
Trước những trăn trở đó, cuối năm 2017, Hòa quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông lâm nghiệp và Dịch vụ thương mại tổng hợp Po Mỷ (HTX Po Mỷ). Cô gái trẻ tìm hiểu liên kết với những người có cùng chung mong muốn tham gia, tìm cách tạo ra các sản phẩm nổi tiếng của Hà Giang như thịt gác bếp, các loại rau củ, cây ăn quả..
Hòa cho biết, bước đầu các sản phẩm đưa ra ngoài thị trường gặp nhiều khó khăn như không có tiêu chuẩn, gặp khó trong khâu vận hành và vận chuyển, sản xuất. “Khi làm thịt gác bếp, nếu mình để lửa nhiều quá thì dễ bị khô mà ít lửa quá lại chưa đủ độ khô, sẽ dễ bị mốc, nên mình đã thất bại và gần như mất toàn bộ tiền tiết kiệm trong lần khởi nghiệp đó”, Hòa kể lại.
Sau hơn nửa năm, với kinh nghiệm bán hàng online sẵn có trước đây, Hòa quyết định làm lại, không đi từ khâu sản xuất mà thay vào đó là hoạt động theo hướng thương mại. Cô gái trẻ dân tộc Cờ Lao tham khảo thị trường với các sản phẩm: Mật ong hoa Bạc hà, cây ăn quả lâu năm (lê, đào, mận) và rau củ ngắn ngày (củ cải, bắp cải, đậu tằm, đậu Hà Lan, cải mèo, gừng đồi…).
Việc làm và sản xuất cùng bà con, đã giúp Hòa hiểu hơn về giá trị và cách tạo ra những sản phẩm mà mình làm ra. Cô gái sinh năm 1993 được chứng kiến, đi sâu, nghe những câu chuyện, tâm sự của người dân, hiểu được những cái thiếu thốn khó khăn của họ để có thể gắn kết, mang lại hiệu quả hơn trong công việc.
Thay đổi cách nghĩ cách làm cho đồng bào DTTS
Sau hơn 4 năm thành lập, đến nay, HTX có quy mô hơn 5ha đất sản xuất và trồng các sản phẩm đa dạng như 2.000 cây lê, 1.000 cây mận, 500 cây đào và 40.000 gốc hồng. Việc sản xuất đa dạng các sản phẩm, đã tạo ra thu nhập, giúp ổn định kinh tế - xã hội cho cô và bà con nơi đây.
Bên cạnh đó, Hòa và các thành viên trong HTX còn tích cực tham gia vào các hội chợ triển lãm tại nhiều vùng miền để tham khảo thị trường và hoàn thiện sản phẩm, như: Tuần lễ Cam sành và quà tặng Noel; Hội chợ Liên minh HTX các tỉnh Đông Bắc; Triển lãm OCOP tại Quảng Ninh; Hội chợ giới thiệu sản phẩm địa phương của Liên minh HTX Việt Nam…
Hiện tại, HTX Po Mỷ ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm lê, sâm khoai dài hạn, với 15 hộ nghèo và cận nghèo tại xã Tà Lủng, huyện Đồng Văn.
“Tà Lủng là xã có đến 70% diện tích là đá. Người dân nơi đây vẫn chưa tận dụng nguồn nguyên liệu trên chính vùng đất của mình. Nếu chỉ trồng đơn thuần cây ngô, hiệu quả kinh tế sẽ không cao bằng so với việc trồng sâm khoai, mang lại thu nhập tốt hơn”, Hòa chia sẻ.
Nhìn lại hành trình trong suốt 4 năm qua, Hòa nói, thay đổi lớn nhất với bà con vùng đồng bào DTTS nơi đây, chính là sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm. So với trước kia, họ làm độc lập, nhỏ lẻ, không có đầu ra, thì nay nhìn thấy những lợi ích trong sản xuất tập thể, mọi người bảo ban nhau cùng làm và cùng phát triển.
Đến nay, HTX Po Mỷ tạo việc làm ổn định cho 18 người DTTS, chủ yếu là người Mông. Trung bình mỗi tháng, mức lương thành viên dao động từ 4 - 5 triệu đồng/người.
Mong muốn lớn nhất của cô gái Cờ Lao sau quyết định “bỏ phố về núi”, là có thể sử dụng các thực phẩm của vùng đồng bào, phát triển được nhiều các sản phẩm từ nguồn tài nguyên địa phương. Đặc biệt hơn nữa, tạo động lực cho các bạn sinh viên DTTS có thể tham gia, hay tạo ra doanh nghiệp riêng của mình để phát triển kinh tế của quê hương.
Hà Giang là vùng đất có lợi thế trong việc phát triển du lịch, do vậy, dự định trong thời gian tới, Hòa cho biết, cô sẽ sản xuất các sản phẩm kết hợp với du lịch trải nghiệm. Khách du lịch khi đến đây, có thể trực tiếp làm ra các sản phẩm như nến từ sáp ong, hay trực tiếp nấu rượu để có những trải nghiệm quý giá trên vùng cao nguyên đá...