Những năm trước đây, sau khi thu hoạch xong vụ lúa mùa vào tháng 10, ruộng đất của bà con ở Khâu Tinh thường bị bỏ không qua cả mùa đông. Từ vụ đông năm 2017 - 2028, người dân nơi đây bắt đầu làm quen với việc trồng rau trái vụ, mang lại hiệu quả kinh tế giúp người dân từng bước nâng cao thu nhập.
Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), xã Khâu Tinh (Na Hang, Tuyên Quang) đã lựa chọn rau an toàn trái vụ và cao chanh để tập trung phát triển, tạo hướng đi bền vững giúp người dân thoát nghèo. Theo đó, HTX Dịch vụ nông nghiệp Khâu Tinh được giao nhiệm vụ liên kết với các hộ trong xã phát triển 2 sản phẩm này.
Với 11 thành viên, chủ yếu là người Dao, trong những năm trở lại đây, được sự hỗ trợ của của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp huyện Na Hang, xã Khâu Tinh đã triển khai nhiều lớp tập huấn, đào tạo nghề trồng và chăm sóc cây rau hữu cơ trái vụ theo hướng an toàn, canh tác tự nhiên. Nhờ đó, bắt đầu sản xuất rau an toàn từ tháng 9/2019, với 2 ha rau an toàn, áp dụng hoàn toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, chủ yếu là các loại rau trái vụ như su hào, bắp cải, cuối năm 2019, sản phẩm rau an toàn của HTX đã được cấp chứng nhận VietGAP.
Là một trong những người đầu tiên mạnh dạn chuyển sang trồng rau, chị Hoàng Thị Thu Trang (xã Khâu Tinh) cho biết gia đình chị có 1.500m2 đất ruộng, sau được xã vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, được hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap nên chị đã quyết định chuyển sang trồng bắp cải trái vụ.
“Trồng theo quy trình này mất thời gian hơn so với trồng rau bình thường nhưng về chất lượng rau được đảm bảo an toàn, sạch, người mua cũng ưa chuộng hơn. Cây bắp cải trồng trái vụ có giá trên thị trường từ 10 nghìn đồng – 15 nghìn đồng/kg, gia đình tôi cũng có nguồn thu nhập 70 triệu đồng/năm từ trồng rau" - Chị Trang phấn khởi chia sẻ.
Được biết từ năm 2017, UBND xã đã quy hoạch 230 ha đất màu để trồng rau hữu cơ và VietGAP, chủ yếu là các loại cây trồng ngắn ngày như bắp cải, su su, su hào… Trên địa bàn xã hiện đã có 32 hộ gia đình đang thực hiện trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Qua thời gian trồng thử nghiệm, các mô hình rau an toàn ở đây đã cho thấy khả năng thích ứng, phát triển tốt đối với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương.
Anh Bàn Văn Ta, Giám đốc HTX Khâu Tinh nhận định do là cây ngắn ngày trồng được nhiều vụ trong năm, chi phí đầu tư thấp, giá bán tương đối ổn định nên hiệu quả của việc trồng rau trái vụ hữu cơ mang lại khá cao, gấp 3-4 lần so với trồng các loại cây trồng khác. Nhận thấy những hiệu quả đó, năm 2020, mục tiêu của HTX là nâng diện tích trồng rau an toàn từ 2 ha lên 5 ha, dự kiến sản lượng rau của HTX sẽ đạt trên 300 tấn.
Là một trong 13 HTX nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh, HTX Khâu Tinh đang làm tốt vai trò của mình giúp tăng thu nhập cho các hộ dân tại đây. Nhờ đó, Khâu Tinh từ một xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao đã tìm thấy hướng phát triển kinh tế như một điểm tựa để giảm nghèo bền vững.