Bà Lý Bích Linh, Giám đốc HTX Hợp Thịnh xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) cho biết: HTX Hợp Thịnh sản xuất, kinh doanh trên 3 lĩnh vực: chăn nuôi lợn nái, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, trồng cây dược liệu (cây cà gai leo, hoàn ngọc). Được sự giúp đỡ, hướng dẫn của Sở NN&PTNT, hiện HTX liên kết với các đơn vị, hình thành chuỗi sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm như: HTX liên kết với THT các xã: Hợp Thành, Yên Trạch, Tân Liên (huyện Cao Lộc) trồng 10ha cây dược liệu, tạo thành vùng nguyên liệu cho sản xuất trà thảo dược; ký hợp đồng với Công ty Cổ phần thức ăn chăn nuôi Tiền Trung, Công ty TNHH Dehues hình thành chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất thức ăn, tổ chức chăn nuôi, quy trình giết mổ tập trung, phân phối sản phẩm không qua khâu trung gian đến tay người tiêu dùng… Qua đó nâng cao thu nhập cho xã viên.
Để phát triển HTX nông nghiệp, những năm qua, Sở NN&PTNT tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển HTX nông nghiệp gắn với xây dựng NTM.
Cùng với đó, từ năm 2015 đến nay, Sở NN&PTNT tổ chức 20 lớp tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập mới HTX, THT trong lĩnh vực nông nghiệp; không ngừng củng cố nâng cao số lượng, chất lượng HTX, THT, trong đó tập trung tại các xã phấn đấu về đích NTM. Tính đến nay, toàn tỉnh đã thành lập mới 46 HTX nông nghiệp, nâng tổng số HTX nông nghiệp toàn tỉnh lên 97 HTX.
Không chỉ phát triển mở rộng các HTX, THT, việc xây dựng và phát triển các mô hình liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm được chú trọng. Từ 2015 đến nay, Sở NN&PTNT xây dựng và triển khai 4 mô hình HTX điển hình liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm như: mô hình trồng khoai tây; mô hình nuôi cá trắm giòn; mô hình trồng cây cà gai leo xen dưới tán rừng; mô hình nuôi ghép cá trắm cỏ theo hướng an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, thực hiện đề án nâng cao hiệu quả dịch vụ nông nghiệp giai đoạn 2016-2020 và nguồn vốn sự nghiệp xây dựng NTM, đến nay Sở NN&PTNT đã xây dựng được 8 mô hình phát triển sản xuất thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm như: mô hình “nhân rộng mô hình chăn nuôi lợn nái lai giai đoạn hậu bị” tại xã Hải Yến (Cao Lộc); mô hình “thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) gắn với tiêu thụ sản phẩm” áp dụng đối với hồng vành khuyên tại HTX Tân Thanh, huyện Văn Lãng…
Ông Nguyễn Phúc Đạt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Sau 3 năm (2015 - 2017) triển khai kế hoạch đổi mới và phát triển các hình thức sản xuất trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh các HTX có sự chuyển biến về số lượng, chất lượng; các HTX, THT được thành lập và đi vào hoạt động với nhiều ngành nghề đa dạng. Đã xuất hiện mô hình liên kết trong sản xuất giữa doanh nghiệp với HTX và người dân từ các khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, góp phần thực hiện tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng NTM trên địa bàn. Các HTX đã giải quyết công ăn việc làm cho 1.860 lao động với thu nhập bình quân 30 triệu đồng/người/năm.
ĐỖ HOẠT