Chị Lầu Thị Hoa cho biết, chị sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông, có nhiều thế hệ cùng sinh sống, kinh tế còn khó khăn. Năm 1986, chị Hoa kết hôn với anh Lương Văn Thình cùng tuổi, cùng xóm. Sau khi lập gia đình, cuộc sống gia đình anh chị vốn không khá giả gì khi kinh tế chủ yếu dựa vào việc trồng ngô, lại càng chật vật khi 3 đứa con của anh chị lần lượt ra đời.
Đối diện với cuộc sống khó khăn, chật vật, chị Hoa đã nghĩ rất nhiều về hướng phát triển kinh tế gia đình. Chị đã nhiều lần trao đổi với chồng, nếu cứ trông chờ vào cây ngô thì cuộc sống gia đình không thể khá lên được. Qua tìm hiểu thông tin từ các hộ gia đình trong xóm, và địa phương lân cận, chị nhận thấy việc nuôi trâu, bò vỗ béo là cơ hội mới. Ngay lập tức, chị Hoa đã tự tìm hiểu kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng dịch bệnh và tích cực học hỏi kinh nghiệm thực tế ở những người đi trước.
Năm 2014, gia đình chị Hoa mạnh dạn vay ngân hàng 50 triệu, cùng với số tiền tích cóp vay mượn thêm của người thân để mua 1 đôi trâu cái và mua bò gầy về nuôi vỗ béo. Mỗi lần mua từ 3 - 4 con. Sau thời gian vỗ béo tầm 3 - 4 tháng, là chị cho xuất chuồng. Ở thời điểm đó, trung bình xuất bán 2 lứa/năm, mỗi con chị lãi từ 8 - 10 triệu đồng. Nhờ đó, kinh tế gia đình chị dần được cải thiện. Năm 2016, gia đình chị Hoa đã trả hết nợ ngân hàng.
Vốn là người phụ nữ chịu thương, chịu khó nên không lúc nào chị Hoa ngừng học hỏi. Trong quá trình chăn nuôi, chị cố gắng tính toán, học hỏi thêm kinh nghiệm để tiết kiệm chi phí và chăn nuôi đạt hiệu quả nhất. “Gieo nỗ lực, gặt thành công”, từ 3 con bò ban đầu đến năm 2020, tổng đàn bò của gia đình chị đã phát triển lên 10 con.
Chị Hoa chia sẻ, để đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò, chị Hoa đã tận dụng gần 1000m2 bãi đất đồi, đất có nhiều đá để trồng cỏ voi, cỏ VA06. Chị còn tận dụng thêm các phụ phẩm từ nông nghiệp như: thân cây ngô, cây lạc để thực hiện phương pháp ủ chua thức ăn cho trâu, bò nên nguồn thức ăn luôn được đảm bảo. Từ việc chăn nuôi, chị Hoa thu lãi gần 60 triệu đồng/năm.
Ngoài việc chăn nuôi, gia đình chị Hoa còn đầu tư phát triển thêm nghề mộc để kiếm thêm thu nhập. Sản phẩm mộc của gia đình anh chị như giường, bàn ghế, chạn bát, làm cày…rất đẹp, giá thành vừa phải nên được bà con trong xóm và các vùng lân cận đặt mua. Trung bình mỗi cái giường có giá từ 1,5 - 2 triệu đồng, cái cày có giá 800 nghìn - 1 triệu đồng.
Thỉnh thoảng có gia đình đặt vợ chồng chị đóng chuồng bò, với giá tiền công 10 triệu đồng/1chuồng. Với sự cần cù lao động, mỗi năm của vợ chồng chị Hoa cũng có tổng nhập được trên 100 triệu đồng.
Sau nhiều năm kiên trì, nỗ lực vượt khó, đến nay kinh tế gia đình chị đã có của ăn, của để, trở thành hộ khá giả ở địa phương. Cuộc sống khá giả, anh chị luôn tích cực phối hợp, tham gia các phong trào hoạt động ở địa phương. Đặc biệt, chị em hội viên phụ nữ trong xóm cần vốn để phát triển sản xuất, chăn nuôi chị Hoa đều sẵn sàng giúp đỡ vốn không lấy lãi, đồng thời nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi...
Với sự nỗ lực trong phát triển kinh tế gia đình và tích cực tham gia các phong trào ở cơ sở, chị Hoa luôn nhận được sự tín nhiệm của bà con trong xã, được cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao. Nhiều năm liền gia đình chị Lầu Thị Hoa được công nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện và được Chủ tịch UBND huyện tặng giấy khen "Vì có thành tích trong phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi".
(Bài viết thuộc chuyên đề Khuyến nông với đồng bào DTTS)