Khởi nghiệp từ khai thác bản sắc dân tộc
Tốt nghiệp Khoa Luật, Viện Đại học Mở Hà Nội, Chu Thị Thảo trở về quê hương sinh sống và lập nghiệp. Không đi theo con đường được đào tạo, thời điểm đó, cô gái dân tộc Nùng lại ấp ủ mong muốn, có thể làm điều gì đó để vừa có thu nhập lại duy trì, phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, giống như nhiều mô hình kinh doanh ở Sa Pa (Lào Cai), Hà Giang mà cô đã từng nghiên cứu và trải nghiệm trong những năm đại học. “Tới mỗi vùng miền, tôi lại nhận thấy ở mỗi địa phương có những nét đặc trưng và văn hóa đặc sắc trong từng mô hình kinh doanh, như quán cà phê hay Homestay”, Thảo chia sẻ.
Từ những trải nghiệm đó, cô gái 9x người dân tộc Nùng ấp ủ ý tưởng, mở một quán cà phê trang trí mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào DTTS. Năm 2017, khi tìm được mặt bằng kinh doanh tại Cao Bằng, Thảo quyết định hiện thực hóa ước ý tưởng này.
Đặc biệt, trong quá trình khởi nghiệp, Thảo luôn làm theo cách cô suy nghĩ “khác biệt là cách để tồn tại và phát triển”.Theo đó, “Tộc cà phê” tại Cao Bằng là “đứa con tinh thần” đầu tiên của Thảo đã ra đời với việc thiết kế theo phong cách vừa hiện đại vừa truyền thống..
Quán cà phê không chỉ có dấu ấn về nét văn hóa dân tộc Nùng, mà còn bao gồm những nét văn hóa của nhiều DTTS sinh sống tại Cao Bằng. Sau một thời gian hoạt động, Tộc cà phê còn được rất nhiều bạn trẻ ưu ái, đặt cho biệt danh là “Bảo tàng dân tộc thu nhỏ của Cao Bằng". Thảo nói, mong muốn của cô là Tộc cà phê trở thành không gian ai cũng muốn đến để tìm những phút giây thoải mái, thư thái.
"Tộc cà phê" sẽ không dừng lại
Không dừng lại ở mô hình khởi nghiệp này, hơn 2 năm sau, cô gái trẻ người Nùng này đã đưa ra quyết định táo bạo là tiếp tục mở rộng đầu tư mô hình Tộc cà phê tại Hà Nội.
Chia sẻ về quá trình xây dựng “Tộc cà phê” cơ sở 2, tại 18 phố Yên Lãng, Đống Đa (Hà Nội) Thảo cho biết, thời gian đầu gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận chuyển vật liệu và bày biện quán. Toàn bộ không gian quán được trang trí bằng các món đồ của đồng bào các dân tộc ở Cao Bằng. Để có được những món đồ này, Thảo đã phải dày công sưu tập, gom nhặt từ trước đó nửa năm.
“Thảo đã phải vào nhiều bản làng vùng cao để sưu tầm những nông cụ sản xuất của người dân, chuyển những cối đá nặng tới 500kg từ trong bản ra thành phố; tự tay chọn lựa từng tấm vải thổ cẩm để may nệm cho ghế, làm điểm nhấn cho quán. Sưu tầm các nhạc cụ dân tộc như đàn tính của dân tộc Tày, Nùng; trang phục dân tộc của Mông cũng phải sưu tầm từ nhiều nơi", Chu Thị Thảo kể lại.
Để gây ấn tượng với khách hàng mỗi khi tới đây, Thảo đã thiết kế đồng phục của nhân viên quán, dựa trên bộ trang phục hàng ngày của người dân tộc Nùng tại Cao Bằng. Đặc biệt, để thu hút khách đến với “Tộc cà phê”, nếu khách có nhu cầu trải nghiệm, chụp ảnh trong trang phục dân tộc, Thảo sẵn lòng phục vụ chu đáo, do vậy dù mới hoạt động nhưng Tộc cà phê đã nhận không ít phản hồi tích cực. Trước niềm vui này, chủ quán tiết lộ bí kíp duy nhất chính là, duy trì được cảm giác sảng khoái cho khách mỗi khi ghé đến. Khi đến với Tộc cà phê, chẳng ai muốn về quá sớm.
Là một thanh niên trẻ yêu thích khám phá các nét văn hóa dân tộc, chị Vũ Minh Phương (23 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội), bày tỏ ấn tượng với phong cách thiết kế và trang trí tại “Tộc cà phê”- một không gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. “Điều ấn tượng hơn cả đó chính là nỗ lực của một thanh niên người đồng bào DTTS đã cố gắng gửi gắm những nét văn hóa qua một không gian nhỏ”, chị Phương nói.
Hiện tại, "Tộc cà phê" đã trở thành một điểm đến thu hút các bạn trẻ tại Thủ đô. Đặc biệt, mô hình sáng tạo và độc đáo, "Tộc cà phê" của cô gái người dân tộc Nùng, cũng đã từng được chọn là 1 trong 3 mô hình thanh niên khởi nghiệp tiêu biểu tham gia Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Cao Bằng năm 2019.
“Khi quyết định đưa Tộc cà phê xuống Thủ đô, tôi hy vọng có thể thành lập chuỗi cửa hàng ở nhiều địa phương, tỉnh thành khác nhau, để có thể lan tỏa bản sắc văn hóa của các dân tộc miền núi phía Bắc đến với du khách”, cô gái trẻ chia sẻ về dự định tiếp theo.