Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới với học sinh lớp 1. Tại Quảng Ninh, nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học hiện đại đã được đầu tư giúp các em học sinh và các thầy giáo, cô giáo triển khai chương trình theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, do đặc thù vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số... vẫn còn không ít điểm trường đang gặp khó khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Thay vì kiểm tra bài học cũ, học sinh lớp 1 Trường Tiểu học và THCS Vũ Oai, thành phố Hạ Long bắt đầu tiết học mới với một bức tranh đầy màu sắc cùng những hình ảnh gần gũi, quen thuộc. Dưới sự hướng dẫn của giáo viên, các con được phân vai, hoạt động nhóm để cùng đọc từ khóa của bức tranh.
Ngành giáo dục thành phố Hạ Long là địa phương duy nhất trong tỉnh Quảng Ninh lựa chọn 4/5 bộ sách giáo khoa được Bộ Giáo dục công nhận để giảng dạy tại 43 cơ sở giáo dục có cấp Tiểu học.
Để bảo đảm điều kiện tốt nhất cho học sinh và giáo viên, tại tất cả các điểm trường lẻ thuộc vùng xa của thành phố đều được trang bị máy chiếu, máy tính... và bố trí đủ cơ sở vật chất, đảm bảo 100% học sinh lớp 1 được học hai buổi trong ngày theo quy định.
Cô Trần Thúy Lan, giáo viên điểm trường Đồng Chùa, Trường Tiểu học và THCS Vũ Oai cho biết: “Trong một tuần học vừa rồi tôi thấy nội dung học rất vừa sức, tranh ảnh hấp dẫn, các hoạt động linh hoạt không bị nhàm chán, nhất là khi đưa ra các tình huống các con rất là thích”.
Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng đủ điều kiện trang bị hệ thống máy móc để bảo đảm truyền đạt tốt nhất kiến thức đến các em học sinh. Tại huyện Ba Chẽ, bộ sách Cánh Diều được lựa chọn triển khai đồng bộ tại tất cả các điểm trường và dù rất kỳ vọng vào những trang giáo án điện tử với hình ảnh, clip sinh động nhưng do không có hệ thống máy chiếu, máy tính và đặc biệt là mạng Internet nên các thầy giáo, cô giáo vẫn phải sử dụng phương pháp dạy và học trên hệ thống sách giáo khoa là chủ yếu.
Cô giáo Nguyễn Thu Hoài, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Ba Chẽ cho biết, tuy không phải là điều kiện bắt buộc nhưng việc thiếu các thiết bị thông minh, hạ tầng thông tin thiết yếu sẽ không phát huy được tính ưu việt của những bộ sách trong Chương trình Giáo dục phổ thông mới.
“Khó khăn lớn nhất và cũng là nguyện vọng của các thầy cô tại các điểm trường lẻ là bộ sách điện tử phải xem trên mạng Internet. Mà thực tế tại các điểm trường không có mạng, cũng không có đầu chiếu, máy chiếu, máy tính để có thể học. Vì vậy chúng tôi mong muốn được đầu tư để có thể đảm bảo việc dạy và học được tốt nhất”, cô Hoài nói.
Theo lộ trình của Chương trình Giáo dục phổ thông mới, năm học 2022- 2023, Tiếng Anh và Tin học là những môn học bắt buộc với học sinh lớp 3 và tỷ lệ giáo viên phải đảm bảo 1,5 giáo viên/lớp.
Song thực tế, các huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh như Tiên Yên, Ba Chẽ, Bình Liêu... đang thiếu trầm trọng những giáo viên này do có nhiều cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn hơn ở thành thị.
Ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh cho biết việc tuyển dụng giáo Tiếng Anh và Tin học ở các địa phương này rất khó về cả nguồn tuyển và chất lượng.
“Để khắc phục việc này thì các địa phương đã có kế hoạch tuyển dụng, sử dụng giáo viên một cách hợp lý. Ví dụ như sử dụng giáo viên cấp THCS và THPT để tăng cường cho khối tiểu học. Tuy nhiên đây chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài chúng tôi sẽ kiến nghị và phối hợp với các trường Đại học để đào tạo nguồn giáo viên ngoại ngữ, tin học, đáp ứng đủ nhu cầu tuyển chọn”, ông Tuế cho biết.
Chương trình Giáo dục phổ thông mới được kỳ vọng là thay đổi căn bản, toàn diện hướng tới hình thành nhân cách, khơi gợi năng lực cho học sinh ngay từ lớp 1. Việc triển khai giáo dục phổ thông mới đang nhận được phản ứng tích cực của học sinh và đông đảo phụ huynh. Tuy nhiên, việc thiếu những hạ tầng thiết yếu sẽ khiến hành trình "gieo chữ" ở vùng cao của các thầy giáo, cô giáo chưa thể đạt kết quả như mong muốn./.