“Vừa đá bóng, vừa thổi còi”!
Trong Chương trình GDPT mới, nội dung GDĐP là những vấn đề cơ bản hoặc thời sự về văn hóa, lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội, môi trường, hướng nghiệp... của địa phương bổ sung cho nội dung giáo dục bắt buộc chung thống nhất trong cả nước. Nội dung GDĐP nhằm trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng cho học sinh tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học, góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương.
Tại Hội nghị “Triển khai hỗ trợ biên soạn tài liệu GDĐP theo Chương trình GDPT 2018” diễn ra ngày 6/6/2020, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, nội dung GDĐP được xem là một bộ phận của Chương trình GDPT
mới. Ông Độ khẳng định, bộ tài liệu GDĐP do địa phương tổ chức xây dựng, biên soạn, với quy trình biên soạn, thẩm định theo đúng văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Mặc dù đã giao “đúng người”, nhưng cái khó cho các địa phương khi xây dựng tài liệu GDĐP hiện nay là hướng dẫn của Bộ GD&ĐT lại chưa có sự thống nhất, đặc biệt là tài liệu dành cho cấp tiểu học. Trong khi chỉ còn vài tháng nữa là bắt đầu năm học mới, việc ban hành tài liệu GDĐP đang là yêu cầu gấp rút.
Theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT tại Công văn số 3536/BGDĐT-GDTH, ngày 19/8/2019, thì Sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố là đơn vị được giao biên soạn tài liệu (Giám đốc Sở GD&ĐT là Chủ tịch Hội đồng biên soạn), trình UBND cấp tỉnh thẩm định, phê duyệt và báo cáo Bộ GD&ĐT.
Nhưng giữa tháng 5/2020, Bộ GD&ĐT đã ban hành Dự thảo Thông tư quy định việc thẩm định tài liệu GDĐP (lần 1). Trong dự thảo này, Bộ GD&ĐT yêu cầu Chủ tịch Hội đồng thẩm định tài liệu GDĐP là Giám đốc Sở GD&ĐT. Nếu thực hiện theo hướng dẫn của Dự thảo thông tư này, Giám đốc Sở GD&ĐT và là Chủ tịch Hội đồng biên soạn (triển khai theo hướng dẫn tại Công văn số 3536/BGDĐT-GDTH), vừa là Chủ tịch Hội đồng thẩm định tài liệu GDĐP, tức là “vừa đá bóng, vừa thổi còi”.
Cần tránh lãng phí
Một vấn đề cũng cần lưu ý là, đối với tài liệu GDĐP cấp tiểu học, hiện các địa phương đang rất lúng túng vì chưa hiểu rõ là xây dựng tài liệu để in thành sách hay là tài liệu điện tử. Trong các hướng dẫn của Bộ GD&ĐT đều không quy định rõ vấn đề này.
Vì vậy, để kịp tiến độ cho năm học 2020 - 2021, các địa phương đang mỗi nơi làm một kiểu. Một số địa phương không in nội dung GDĐP cấp tiểu học thành tài liệu, sách; trong khi nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch biên soạn thành sách và mỗi học sinh sẽ được trang bị 1 cuốn.
Tuy nhiên, nếu các địa phương đều in sách tài liệu GDĐP, phát cho học sinh sẽ gây tốn kém rất lớn cho xã hội. Chỉ tính riêng cấp tiểu học từ lớp 1 - 5, mỗi năm cần hàng triệu bản; nếu tính cả tài liệu được in ấn cho cấp THCS, THPT trang bị cho học sinh và giáo viên thì số tiền sẽ rất lớn, lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục cho rằng, nội dung GDĐP các cấp không cần thiết phải in thành sách hoặc các ấn phẩm tham khảo để phát cho từng học sinh. Hiện ngành Giáo dục các địa phương đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình dạy học.
Do đó, nội dung GDĐP cũng cần được nghiên cứu để “đi tắt đón đầu” bằng việc biên soạn bằng tài liệu điện tử. Việc biên soạn, sử dụng tài liệu điện tử sẽ giúp giảm nguồn lực đầu tư hằng năm, đồng thời, các địa phương sẽ dễ dàng cập nhật, bổ sung nội dung GDĐP hằng năm, phù hợp với diễn biến tình hình thực tế của địa phương mình.