Bình Liêu nằm cách thành phố Hạ Long, Quảng Ninh khoảng 100km. Nơi đây có khá nhiều cột mốc nổi tiếng nằm rải rác trên cung đường tuần tra biên giới, là điểm đến thiêng liêng cho bất cứ ai muốn chinh phục.
Cung đường “sống lưng khủng long” Bình Liêu không quá lắt léo nhưng có độ dài, độ dốc cũng như độ cao. Hai bên đường là những ngọn đồi, núi trập trùng với một màu xanh bạt ngàn của cây cối tạo cho nơi đây vẻ đẹp vừa nên thơ, vừa hùng vĩ.
Trước đây, con đường mòn trên đỉnh núi hoang sơ này là đường đất đất, nhỏ hẹp, khúc khuỷu, vô cùng nguy hiểm. Hiện con đường đã được xây dựng lại để thuận tiện hơn cho việc di chuyển, với khoảng 2.000 bậc thang cho đoạn đường chừng 2km. Chinh phục thành công cung đường này, du khách sẽ đến Cột mốc 1305 - cột mốc cao nhất ở tỉnh Quảng Ninh.
Đứng từ các đỉnh cột mốc dễ dàng “thu nhỏ” Bình Liêu vào trong tầm mắt, cảm nhận được những nét tuyệt sắc, những thửa ruộng bậc thang, những cung đường uốn lượn trắc trở, lúc ẩn lúc hiện như chạy thẳng vào mây, những sóng núi lô xô, xanh thẳm đến chân trời.
Du khách có thể khám phả vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ của “sống lưng khủng long” vào bất cứ thời gian nào trong năm, nhưng đẹp nhất vào cuối tháng 10, đầu tháng 11. Khi đó những hàng lau 2 bên sườn núi nở trắng xóa, bạt ngàn, tạo nên khung cảnh hữu tình và thơ mộng hơn. Du khách đừng bỏ qua cơ hội chinh phục “sống lưng khủng long” tại Bình Liêu để cảm nhận niềm hạnh phúc khi đến với vùng đất kỳ vĩ, được nghe những âm thanh rì rào của suối ngàn, được hít hà hương hồi hương quế, ngắm cảnh sắc núi rừng hoang sơ bạt ngàn...
Đến Bình Liêu, du khách không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của biên cương hùng vĩ, mà ở đó bạn còn được hòa mình vào cuộc sống của đồng bào thiểu số như Dao, Tày, Sán Chỉ… Đó là hồn cốt của mảnh đất phên giậu này.
Nếu bạn là người ưa khám phá văn hóa của đồng bào thiểu số, Bình Liêu sẽ không khi nào khiến bạn thất vọng. Tháng Giêng, người Tày vui hội hát then đàn tính trong lễ hội đình Lục Nà. Tháng 3, người Sán Chỉ tưng bừng lễ soóng cọ, nghe con trai con gái tìm nhau qua câu hát giao duyên. Tháng 4, đồng bào Dao Thanh phán tạm gác mọi công việc để đi hội Kiêng gió – ngày để tất cả mọi người gặp bạn bè tâm sự, cùng say trong men rượu, men tình…
Từ tháng 10 đến tháng 12 âm lịch, bà con các dân tộc nơi đây có lễ mừng cơm mới. Đây là nghi lễ nông nghiệp được tổ chức thường niên. Cơm mới được làm từ lúa nếp mới thu hoạch, phơi khô, còn giữ được mùi thơm giòn của nắng. Người ta đồ lên thành xôi. Xôi trong lễ mừng cơm mới được tạo màu bằng lá rừng. Bà con sẽ hái những lá rừng còn xanh, rửa sạch, để ráo nước. Sau đó, cho vào cối giã nhuyễn, vắt lấy phần nước. Và sau khi xôi chín, vớt ra để nguội. Lúc ấy, xôi sẽ được trộn với nước lá rừng để tạo thành xôi màu xanh. Mùi thơm của nếp nương, mùi thơm của lá rừng quyện vào nhau phả vào trong gió se đua nhau đánh thức vị giác.
Đặc biệt, vào tháng 12, hoa sở nở trắng núi đồi, men theo các con đường vào thôn bản đâu đâu cũng ngập tràn màu trắng tinh khôi. Giờ đây, cây sở không còn là loài cây dại mọc khắp núi đồi, mà đã được bà con trồng nhiều để lấy hạt ép dầu, đem lại nguồn thu nhập cho người dân nơi đây.