Cùng đồng chí Vàng Mí Trạng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Pả Vi đến thăm gia đình anh Sùng Mí Sính ở thôn Pả Vi Thượng, xã Pả V ( huyện Mèo Vạc)- một trong những hộ chăn nuôi tiêu biểu, chúng tôi nhận thấy niềm vui, phấn khởi của anh Sính khi chia sẻ về kết quả trong chăn nuôi đại gia súc của gia đình. Anh cho biết, gia đình anh vừa bán một con bò trị giá 53 triệu đồng, thu lãi số tiền chênh lệch, so với lúc mua khoảng 23 triệu đồng.
Theo anh Sính, ngày trước, để nuôi bò, gia đình anh phải cắt cỏ dại trên núi, lấy lá ngô cho bò ăn, tuy nhiên, hiệu quả kinh tế không cao. Dù anh và gia đình rất cố gắng nhưng vẫn không dư giả. Được tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi của xã, huyện, tỉnh, của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, anh Sính mạnh dạn vay vốn 60 triệu đồng để trồng cỏ nuôi bò vỗ béo. Sau gần 3 năm, anh Sính đã trả được hết nợ và có vốn mở rộng chăn nuôi.
Cách làm kinh tế của anh Sính là, anh mua bò nhỏ hoặc những con bò gầy về vỗ béo, sau đó đem bán. Với khoảng 10 tháng nuôi vỗ béo, mỗi con bò anh bán lãi khoảng 20 triệu đồng. Hiện nay, chuồng nuôi gia đình anh duy trì 4-5 con liên tục. Thu nhập từ nuôi bò, sau khi đã trừ chi phí, gia đình anh thu được khoảng 50-80 triệu đồng/năm..
Để có thức ăn cho bò, thời gian qua, xã Pả Vi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi diện tích trồng ngô sang trồng cỏ để đảm bảo nguồn thức ăn trong chăn nuôi. Giống cỏ Guatemala thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương nên sinh trưởng tốt ngay cả mùa đông, giống cỏ mềm nên trâu, bò thích ăn.
Thấy được lợi ích thiết thực, bà con trong xã đã hưởng ứng tích cực, nhờ đó, diện tích trồng cỏ trên địa bàn xã không ngừng tăng nhanh và trở thành xã có diện tích cỏ lớn nhất huyện với 320ha cỏ. Bên cạnh đó, một số hộ dân đã linh hoạt trồng cỏ ngoài mục đích chăn nuôi còn đem bán cho các hộ dân khác trong xã hoặc trong vùng, đem lại nguồn thu nhập đáng kể.
Bà Vương Thị Thủy, Phó Bí thư huyện ủy huyện Mèo Vạc cho biết, qua chăn nuôi thì giống “bò vàng” có giá trị kinh tế cao, khả năng thích ứng với khí hậu khắc nghiệt tại huyện Mèo Vạc, do đó, huyện đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/HU về “chuyển đổi một phần diện tích trồng ngô sang trồng cỏ gắn liền chăn nuôi bò hàng hóa, giai đoạn 2016-2020”. Với chủ trương này đã đem lại hiệu quả thiết thực, diện tích trồng cỏ cũng như tổng số trâu, bò ngày một tăng cao. Đến nay, tổng đàn trâu, bò toàn huyện có trên 34.600 con; số trâu, bò xuất chuồng từ năm 2016 đến nay đạt 14.600 con…
Bên cạnh đó, huyện Mèo Vạc đã triển khai nhiều lớp tập huấn về chăn nuôi, khuyến nông bảo vệ thực vật. Riêng trong năm 2020, huyện đã tổ chức 245 lớp tập huấn, thu hút 11351 lượt người tham gia với nhiều nội dung đa dạng, phong phú. Ngoài ra, theo định kì, các cán bộ khuyến nông còn xuống tận nhà các hộ chăn nuôi để tư vấn về kỹ thuật. Nhờ đó, bà con mạnh dạn chăn nuôi, thu nhập dần ổn định, góp phần nâng cao cuộc sống của Nhân dân.