Cả đồi gà...
Huyện Tiên Yên là vùng đất nổi tiếng trong câu ví “Gái Đầm Hà, gà Tiên Yên”, và xã Hà Lâu chính là một trong những cái nôi phát triển giống gà Tiên Yên nổi tiếng khắp trong và ngoài vùng. Xét về điều kiện tự nhiên, Hà Lâu có đất đồi rừng rộng hơn 3.000ha, rất thuận lợi cho phát triển gà theo hướng hàng hóa.
Thuận lợi là vậy nhưng khó khăn cũng không ít, bởi nuôi gà để phát triển kinh tế không phải chuyện đơn giản, vì người dân từ trước chỉ quen nuôi nhỏ lẻ, thả rông. Nhận thức về chăn nuôi hàng hóa cũng chưa cao.
Với sự vào cuộc của chính quyền, người dân đã được hỗ trợ phát triển mô hình chăn nuôi gà đồi theo hướng an toàn sinh học. Trong đó, giống gà đồi Tiên Yên là giống bản địa, thịt chắc, thơm và giá trị dinh dưỡng cao được lựa chọn.
Hầu hết những người tham gia mô hình nuôi gà là những hộ nghèo trên địa bàn các thôn. Dù đã chăn nuôi lâu năm, nhưng kiến thức về lĩnh vực này rất hạn chế. Vì thế, trước đây đàn vật nuôi của nhiều hộ thường xuyên bị dịch bệnh và chậm lớn do nuôi thả không có sự chăm sóc.
Ông Lý Văn Thắng, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tiên Yên cho biết: Ðể bảo đảm chất lượng, đặc biệt là đúng tiêu chí chăn nuôi an toàn sinh học, huyện đã cử cán bộ có chuyên môn về thú y đảm nhiệm hỗ trợ các gia đình về cách thức chăn nuôi, làm chuồng trại, tiêm phòng, chống dịch bệnh, trị bệnh… Ðồng thời, thường xuyên mở các buổi họp trao đổi, hướng dẫn các hộ thành viên những nội dung này và tổ chức kiểm tra chéo giữa các hộ để bảo đảm việc thực hiện.
Từ chỗ chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ, đàn gà ở Hà Lâu ngày càng tăng. Số lượng đang ở mức hơn 35.000 con. Trên các sườn đồi đã được phủ một màu vàng đỏ và đốm hoa của đàn gà. Giờ đây, Hà Lâu là xã đi đầu của huyện Tiên Yên về phát triển chăn nuôi gà theo hướng bảo đảm cả về số lượng và chất lượng.
Bên cạnh đó, để phát triển và tiêu thụ đàn gà Tiên Yên theo hướng nhân rộng và có hiệu quả kinh tế cao, từ nhiều năm nay, huyện Tiên Yên đã đẩy mạnh việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm; đưa khoa học công nghệ (KHCN) vào phát triển chăn nuôi, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và quản lý dịch bệnh rất sát sao; xây dựng chính sách khuyến khích hỗ trợ chăn nuôi cho người dân, doanh nghiệp về: Giống, lãi suất vốn vay, xúc tiến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm...
Đeo nhẫn cho… gà
Để gà Tiên Yên có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, huyện Tiên Yên đã chú trọng xây dựng thương hiệu và truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm đặc sản này. Chính vì vậy, từ năm 2017, Tiên Yên đã phối hợp với Ban Xây dựng Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh tiến hành dán tem điện tử và đeo nhẫn truy xuất nguồn gốc gà Tiên Yên.
Theo đó, tem điện tử, nhẫn sẽ giúp người tiêu dùng có thể biết được cơ sở sản xuất, thành phần, công dụng của sản phẩm, biết được chủ nuôi, ngày, tháng vật nuôi được tiêm phòng… của con gà Tiên Yên.
Ông Lý Văn Thắng chia sẻ: Chúng tôi tiến hành việc dán tem điện tử và đeo nhẫn truy xuất nguồn gốc để xây dựng con gà Tiên Yên theo hướng độc quyền sản phẩm. Vì khi người tiêu dùng sử dụng con gà có phản ánh không tốt chúng tôi dễ dàng truy xuất nguồn gốc để xử lý. Bên cạnh đó, việc kiểm soát chặt chẽ gà cũng giúp cho người nuôi theo dõi được sự thay đổi của nó trong suốt quá trình chăm sóc. Hiện tại, chúng tôi cũng đang tiếp tục đầu tư thêm một số tiện ích nữa để gà Tiên Yên khi được đưa ra thị trường sẽ nhận được sự ủng hộ của nhiều người tiêu dùng hơn.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, cư trú tại xã Yên Than là một trong những gia đình đầu tiên của huyện Tiên Yên mạnh dạn đầu tư nuôi gà Tiên Yên. Đến thời điểm này, trang trại của gia đình ông Tuấn có trên 1 ngàn con. Để việc nuôi và chế biến gà thành phẩm của mình đạt chất lượng cao, từ khi huyện Tiên Yên tiến hành dán tem điện tử và đeo nhẫn truy xuất nguồn gốc cho gà, ông đã thực hiện ngay và xem đây là cơ hội thuận lợi cho việc phát triển đàn gà của gia đình trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Lãnh đạo huyện ủng hộ và luôn đưa ra những định hướng đúng đắn để xây dựng thương hiệu gà Tiên Yên nên chúng tôi rất đồng tình. Hiện tại, bên cạnh sự hỗ trợ từ địa phương, chúng tôi cũng mạnh dạn tìm hiểu thêm những kiến thức mới, từ đó rút ra những cách nuôi gà sao cho phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương”.
Đến nay, tổng đàn gà trên địa bàn huyện Tiên Yên là trên 800 ngàn con. Các xã có số lượng đàn gà Tiên Yên thương phẩm cao là: Phong Dụ, Hà Lâu và Đông Ngũ. Toàn huyện có trên 20 điểm bán gà tập trung, số lượng gà thương phẩm tiêu thụ đạt trên 2.000kg/ngày. Ngoài bán tại các cửa hàng, lượng gà còn được tiêu thụ lớn tại các quán ăn, nhà hàng; tiêu thụ nhỏ lẻ trong dân.
Định hướng phát triển thương hiệu gà Tiên Yên trong thời gian tới, lãnh đạo huyện Tiên Yên cũng cho biết sẽ tiếp tục duy trì sản xuất gà theo hướng chất lượng cao, tăng cường công tác quản lý nhà nước về thương hiệu gà, tăng cường đưa KHCN, kỹ thuật tiên tiến vào phát triển chăn nuôi, đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại gà Tiên Yên…
(Bài viết thuộc chuyên đề Khuyến noog với đồng bào DTTS)