Hết năm 2021, Tp. Cẩm Phả còn 185 cơ sở tiểu thủ công nghiệp (TTCN) chưa thực hiện việc di dời ra khỏi khu dân cư. Năm 2022, Tp. Cẩm Phả đặt mục tiêu di dời 87 cơ sở, tuy nhiên, đến nay mới có 50 cơ sở thực hiện, quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc. Chính vì thế, nguy cơ ô nhiễm môi trường tại các khu dân cư còn cao, gây bức xúc cho người dân.
Chị N.T.M, phường Cẩm Thủy, Tp. Cẩm Phả chia sẻ: “Các xưởng sản xuất ngay tại khu dân cư ảnh hưởng rất lớn đến môi trường khu vực, đặc biệt là nguồn nước thải. Người dân chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên chính quyền địa phương, nhưng đến nay, không ít các cơ sở vẫn hoạt động bình thường”.
Hiện Tp. Cẩm Phả có tổng số 82 cơ sở không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, 39 cơ sở kinh doanh sai địa điểm ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nằm trong diện phải di dời ra khỏi khu dân cư. Các cơ sở này, không được hỗ trợ theo tinh thần Nghị quyết 201/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ di dời các cơ sở TTCN gây ô nhiễm môi trường, hoặc không phù hợp quy hoạch đô thị phải di dời trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025. Đây cũng là một trong những khó khăn nhất khiến cho việc tuyên truyền, vận động các cơ sở di dời gặp vướng mắc.
Chị N.H.B. - một chủ cơ sở TTCN tại phường Cửa Ông cho biết, hầu hết các cơ sở thuộc đối tượng di dời theo danh sách được UBND thành phố phê duyệt, là những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ. Khi đăng ký mua đất tại cụm công nghiệp Cẩm Thịnh phải thanh toán 1 lần nên chưa đủ tiềm lực về kinh tế để xây dựng ngay nhà xưởng, mà cần có thêm một khoảng thời gian để tích lũy.
“Mặc dù biết là gây ô nhiễm môi trường khu dân cư phải di dời, nhưng khoảng 2 năm nay, giá vật liệu tăng cao kéo theo cái gì cũng tăng giá. Không những vậy, đợt Covid-19 vừa rồi nên sản xuất kinh doanh cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng tôi vẫn chưa đầu tư xây dựng xưởng được”, chi B. chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, một phần do ý thức chấp hành chủ trương di dời của các cơ sở chưa cao. Bởi khi tiến hành rà soát nhu cầu sử dụng diện tích đất tại cụm công nghiệp, làm cơ sở để chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch (khu mở rộng) cho phù hợp với nhu cầu thực tế, nhiều cơ sở đăng ký sẽ thực hiện chấm dứt hoạt động; hoặc chuyển đổi ngành nghề chứ không có nhu cầu vào hoạt động tại cụm công nghiệp. Đến nay, diện tích các ô đất nhỏ đã hết, thì các cơ sở lại báo cáo là có nhu cầu thuê ô đất diện tích nhỏ để vào cụm công nghiệp hoạt động.
Bà Phạm Thị Mai Chi, - Phó trưởng Phòng Kinh tế Tp. Cẩm Phả cho biết, từ đầu tháng 11, Phòng chủ trì cùng các đơn vị liên quan, đẩy mạnh kiểm tra tiến độ thực hiện tại các xã, phường và các cơ sở, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tp. Cẩm Phả cũng mong muốn, tỉnh sớm xem xét, tháo gỡ và có thông tin cụ thể, về đề xuất hỗ trợ cho cơ sở di dời không có đăng ký kinh doanh; hoặc có đăng ký kinh doanh nhưng sai địa điểm (đã hoạt động lâu năm, có xác nhận của, xã, phường), nhằm tạo động lực khuyến khích các cơ sở thuộc đối tượng sớm triển khai di dời đảm bảo lộ trình đề ra.
Hi vọng rằng, Tp. Cẩm Phả nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung sẽ hỗ trợ và quyết liệt trong việc di dời các cơ sở TTCN vào Cụm công nghiệp Cẩm Thịnh nhằm góp phần bảo đảm môi trường, phòng chống cháy nổ, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, hướng tới xây dựng một thành phố dịch vụ, công nghiệp năng động và văn minh, hiện đại.