Trước kia, bà con người dân tộc Vân Kiều ở Hướng Phùng (Hướng Hóa) đã trồng cà phê Arabica từ lâu. Tuy là cà phê sạch, chất lượng tốt nhưng mỗi khi đến mùa vụ vẫn bị thương lái ép giá.
Tháng 3/2018, HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa được thành lập đã mở ra hướng phát triển bền vững cho những hộ gia đình trồng cà phê nơi đây. Theo đó, trong 11 thành viên ban đầu thì có đến 10 người là đồng bào dân tộc thiểu số. HTX quản lý 70 ha cà phê, trong đó có 35 ha cà phê sản xuất hữu cơ.
Từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, HTX đã tập huấn cho các thành viên biết cách trồng, chăm sóc, thu hoạch cây cà phê theo đúng tiêu chuẩn doanh nghiệp yêu cầu để có thể ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với mức giá cao hơn gấp đôi thị trường và ổn định từ đầu đến cuối vụ. Cụ thể, bà con tham gia HTX trồng cà phê Arabica sạch được bao tiêu sản phẩm với mức giá ổn định 10.000 đồng/kg, trong khi giá sản phẩm quả cà phê tươi trong vùng chỉ ở mức 4.000 đồng/kg.
Ông Lê Đình Phức, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa chia sẻ: Vượt qua khó khăn ban đầu, đến nay, HXT Chân Mây Bắc Hướng Hóa là một trong rất ít HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hoàn thành chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên.
Tương tự, thành lập từ năm 1978, HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Phú Hưng (xã Hải Phú, huyện Hải Lăng) là đơn vị dẫn đầu mô hình HTX kiểu mới. Ông Nguyễn Thể, Giám đốc HTX cho biết, năm 2015, HTX Phú Hưng chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX 2012 và nhanh chóng thay đổi cách hoạt động để thích ứng với mô hình mới.
Với vốn liếng 160 ha rừng trồng của thành viên HTX cũ để lại, HTX Phú Hưng đã thành lập nhóm chứng chỉ rừng có 8 hộ tham gia với diện tích rừng FSC (chứng nhận quản lý rừng bền vững) là 87 ha. Đến ngày khai thác lần đầu được hơn 800 tấn, bán với giá 1,475 triệu đồng/tấn (giá bán thị trường là 1,2 triệu đồng/tấn).
Thấy được lợi ích thiết thực của việc tham gia trồng rừng bền vững, các thành viên HTX đã tiếp tục trồng lại rừng FSC và đang mở rộng diện tích lên 177 ha với sự tham gia của 12 hộ dân. Nhờ trồng rừng FSC mà sản phẩm gỗ đã được HTX bán ra nhiều tỉnh, thành trong nước và nước ngoài, mở hướng đột phá trên con đường phát triển. Hiện nay, HTX đang tích cực vận động người dân trồng rừng với định hướng bao tiêu hộ trồng rừng, liên kết nguyên chuỗi từ đầu vào, khai thác chế biến và xuất khẩu…
HTX Chân Mây Bắc Hướng Hóa và HTX Phú Hưng chỉ là hai trong số hàng trăm hợp tác xã nông nghiệp đang hoạt động hiệu quả trên địa bàn tỉnh Quảng Trị. Cùng với việc tự đổi mới, trong những năm gần đây, với việc triển khai Nghị quyết 05/2017/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển KTTT tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 – 2020, các HTX nông nghiệp đã tiếp cận nhiều hơn với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như: đào tạo tập huấn, xúc tiến thương mại, hỗ trợ thành lập mới, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ máy móc, thiết bị cho sản xuất, sơ chế và chế biến sản phẩm…
Nhờ đó, nhiều HTX nông nghiệp đã chủ động liên kết sản xuất tạo thành chuỗi sản xuất hàng hóa lớn, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Đáng chú ý là sản phẩm của các HTX phần lớn được tiêu thụ khá tốt. Đến nay, hầu hết các HTX trên địa bàn tỉnh đã góp phần đảm bảo hoàn thành tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất trong bộ tiêu chí xây dựng NTM và tham gia hoàn thành các tiêu chí khác của địa phương trong xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
Ông Cáp Kim Thánh, Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Trị cho biết: Các HTX đã khẳng định vai trò là cầu nối cho sự phát triển, trao đổi hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp, giữa thành thị và nông thôn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động, đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng NTM của địa phương khi trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào 19 tiêu chí về xây dựng NTM, như các tiêu chí về: hình thức tổ chức sản xuất, nâng cao thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo, chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng ổn định.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục ưu tiên tập trung nâng cao chất lượng, năng lực quản trị của HTX nông nghiệp; hình thành và phát triển các liên hiệp HTX kiểu mới... để các HTX hoạt động hiệu quả hơn” - ông Cáp Kim Thánh cho biết thêm.