Anh Trần Văn Phục, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thông minh, xã Đại Ân 1 cho biết: Khi chưa thành lập HTX, tại địa phương mỗi người trồng mỗi giống rồi muốn bán đâu thì bán. Từ khi được lãnh đạo hỗ trợ thành lập HTX đến nay, đầu ra cho trái nhãn ổn định và tham gia được thị trường châu Âu; còn trong nước đưa được vào các hệ thống siêu thị lớn, có uy tín. Hiện, HTX có tới 60 thành viên đều trồng nhãn, nhiều nhất là giống nhãn Ido.
Còn xã đảo An Thạnh Nam với sản phẩm “Tôm một gió” của HTX Thủy sản Hưng Phú không chỉ được xếp hạng 4 sao, mà còn là sản phẩm OCOP duy nhất thuộc nhóm thuỷ sản được xếp hạng vinh dự này.
Tiếp nối những thành công có được, huyện Cù Lao Dung triển khai, xây dựng thêm hai sản phẩm du lịch tại 2 xã - mô hình vườn cây ăn trái kết hợp du lịch sinh thái sông nước miệt vườn tại xã đảo NTM An Thạnh I và du lịch sinh thái đất ngập nước xã An Thạnh Nam.
Anh Trần Quang Cần, Giám đốc khu du lịch cộng đồng Farmstay Sân Tiên (xã An Thạnh Nam) kể, vốn là nông dân tại địa phương, nhìn phong cảnh xứ mình quen mắt, cũng biết đẹp nhưng không biết khai thác thế nào. Đến khi được lãnh đạo địa phương và ngành chức năng hướng dẫn thực hiện mô hình du lịch cộng đồng, tháng 3/2019, anh Cần đã thành lập Khu du lịch cộng đồng Farmstay Sân Tiên và đưa vào khai thác vào cuối năm 2019 với tiêu chuẩn 3 sao. “Hiện nay, chúng tôi đang hoàn thiện thủ tục để cơ quan chức năng xét và cấp chứng nhận đạt chuẩn 3 sao về sản phẩm du lịch OCOP của xã”.
Ông Võ Thanh Quang, Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung cho biết, trong nhiệm kỳ tới, huyện sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó, từng bước hình thành một số vùng chuyên canh cây ăn trái kết hợp phát triển du lịch. Đặc biệt chú trọng gắn sản phẩm OCOP với phát triển ngành Du lịch tạo thế mạnh cho các xã đảo, làm bước đệm để tiến đến xây dựng thành công huyện NTM Cù Lao Dung theo đúng lộ trình đề ra.
Giai đoạn 2021 - 2025, huyện quyết tâm đưa 7/7 xã đảo đạt chuẩn, trong đó, có 4 xã đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu; đồng thời huyện đạt chuẩn huyện NTM. Mục tiêu quan trọng được đưa ra là, thu nhập bình quân đạt 60 triệu đồng/người/năm và tỷ lệ hộ nghèo phải dưới 2%.
Bí thư Huyện ủy cho hay, địa phương có thuận lợi về địa lý là bốn mặt giáp biển, có rừng, có vườn cây ăn trái, có nhiều di tích nổi tiếng. Tuy nhiên, để thay đổi tư duy của người dân xứ biển vốn quen với cảnh “chân lấm tay bùn”, với cái “chất” mặn muối biển để chuyển sang làm du lịch thì cần phải có quá trình thay đổi.
Theo Bí thư Huyện ủy Võ Thanh Quang, hiện nay huyện đang tập trung đầu tư hình thành các nhãn hiệu tập thể có uy tín, để nâng cao giá trị của sản phẩm OCOP địa phương. Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trên nhiều lĩnh vực; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch văn hoá tâm linh Sân Tiên; điểm đến của vua Gia Long (Rạch Long Ẩn); Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn; đảo khỉ; khu bãi bồi ven biển,... mong muốn của huyện là có một nhà đầu tư đủ nguồn lực xây dựng mô hình kiểu mẫu về du lịch trên các xã đảo.