Thái Nguyên là một tỉnh trung du miền núi phía Bắc, có sản phẩm chè Thái Nguyên nổi tiếng. Cây chè từ lâu đã được xem là cây xóa đói, giảm nghèo và làm giàu của nông dân tỉnh Thái Nguyên. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 22.000 ha chè, trong đó diện tích chè được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGap là trên 4300 ha; diện tích chè được công nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ chiếm 65 ha.
Chè xanh được biết đến là một sản phẩm tự nhiên có chứa catechin, cafein, theanine, saponin, vitamin, khoáng và chất diệp lục. Đặc biệt, các chất catechin trong lá chè có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu, chống oxy hóa, kháng khuẩn; theanine thì có tác dụng giảm huyết áp cao và bảo vệ các tế bào hệ thần knih trung ương; saponin có đặc tính chống nấm, chống viêm, chống dị ứng và đã được chứng minh có tác dụng giảm huyết áp, ngăn ngừa béo phì và cúm.
Bên cạnh thế mạnh về trông chè, Thái Nguyên cũng quy hoạch được vùng sản xuất chăn nuôi cung cấp thịt, trứng cho các vùng lân cận. Theo niêm giám thống kê năm 2021, tại thời điểm 01/1/2021, tổng đàn lợn của tỉnh là 455,83 nghìn con, cung cấp 95.054 nghìn tấn thịt cho thị trường. Theo đó, ngành chăn nuôi lợn được xếp vị trí cao nhất với tỷ lệ 45,9% trong cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh Thái Nguyên.
Với ý tưởng nhằm khai thác triệt để ưu thế của vùng nguyên liệu trồng chè nổi tiếng tại Việt Nam và nâng cao giá trị thịt lợn trên cơ sở tận dụng các nguyên liệu sẵn có, tỉnh Thái Nguyên đã nghiên cứu, bổ sung lá chè xanh Thái Nguyên vào khẩu phần ăn cho lợn thịt. Việc bổ sung này nhằm tăng sức đề kháng và nâng cao chất lượng thịt lợn cũng như hướng tới xây dựng mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ gắn với thương hiệu đặc trưng của người dân Thái Nguyên.
Theo TS. Nguyễn Tiến Đạt – Chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu cho biết để thực hiện đề tài nghiên cứu, nhóm nghiên cứu đã triển khai mô hình thí nghiệm trên lợn đen bản địa tại hộ chăn nuôi của ông Dương Văn Hải và lợn ngoại thương phẩm tại hộ gia đình bà Nguyễn Thị Liễu (xóm Đức Hòa, xã Thịnh Đức, TP.Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) với tổng số 72 con lợn.
Nhóm nghiên cứu đã triển khai xây dựng mỗi hộ 4 ô thí nghiệm (Đối chứng, thí nghiệm 1, thí nghiệm 2, thí nghiệm 3), mỗi ô 9 con lợn, tương ứng với 4 mức bổ sung bột lá chè xanh trong khẩu phần ăn (0%, 1%, 3%, 5%). Thức ăn cho lợn đều là thực phẩm tự nhiên (cám gạo, cám ngô, đậu tương, khoáng - vitamin tổng hợp…) ủ men vi sinh kết hợp với bột trà xanh. Thời gian nghiên cứu từ tháng 12-2023 đến tháng 6-2024.
Sau 6 tháng triển khai, kết quả bước đầu cho thấy đàn lợn được nuôi từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh giúp tăng khả năng miễn dịch, giảm các bệnh thông thường trong đường tiêu hóa, tăng chất lượng thịt lợn.
Lợn thí nghiệm được nuôi theo phương thức chăn nuôi chuồng hở thông thoáng tự nhiên, trên nền đệm lót có bổ sung men vi sinh nên nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ, không phải tắm cho lợn, giúp giảm mùi hôi trong chuồng nuôi.
Ông Phạm Quốc Chính, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên đánh giá dựa vào các kết quả đã được công bố có thể thấy rằng Đề tài nghiên cứu khoa học và mô hình nhân rộng chăn nuôi lợn thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh có tính khả thi cao. Đề tài được thực hiện sẽ là mô hình điểm cho việc sản xuất lợn thịt chất lượng cao, là cơ sở tham quan học tập cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Việc nhân rộng kết quả của mô hình sẽ góp phần giải quyết vấn đề chuyển đổi cơ cấu vật nuôi cho địa phương, đưa vật nuôi giá trị cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của địa bàn vào sản xuất, giúp người nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Từ đó, phát huy thế mạnh của tỉnh Thái Nguyên là địa phương có diện tích trồng chè lớn nhất cả nước; tạo ra sản phẩm thương hiệu cho tỉnh Thái Nguyên - lợn chè xanh; đồng thời quảng bá thương hiệu kết hợp với thúc đẩy phát triển du lịch vùng miền.
Ông Phạm Quốc Chính cho biết thêm, trong thời gian tới tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục nghiên cứu, nâng cao chất lượng của Đề tài bằng việc mở rộng mô hình để nuôi ở 3 tỷ lệ công thức; mở rộng ô thí nghiệm tăng tỷ lệ bột trà xanh mỗi ô; đăng ký nhãn hiệu, tên gọi cho sản phẩm nuôi lợn lấy thịt từ thức ăn tự nhiên có bổ sung nguyên liệu chè xanh Thái Nguyên; xây dựng video clip từ khi chọn con giống đến bàn ăn.
Cùng với đó, tỉnh Thái Nguyên sẽ phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp có tiềm năng phát triển cả du lịch và chăn nuôi; các điểm du lịch cộng đồng, các kênh phân phối, giới thiệu quảng bá sản phẩm…có khả năng tiếp quản, phát huy kết quả của đề tài.