Gắn bó nhiều năm với nghề chăn nuôi tổng hợp, gia đình chị Vàng Thị Mỷ, thôn Hố Quáng Phìn, xã Giàng Chu Phìn đã trải qua không ít khó khăn để xây dựng được mô hình chăn nuôi đặc sản theo hướng VietGAP. Các tiêu chí về chuồng trại và kỹ thuật nuôi như: Con giống, các yếu tố về môi trường, nhiệt độ, phòng dịch… đều được chị Mỷ tuân thủ nghiêm ngặt. Với 500m2 diện tích đất hiện nay gia đình chị đang chăn nuôi 3 con bò vỗ béo, 06 con dê thương phẩm, 05 con lợn đen và đàn gia cầm hơn 200 con đem lại nguồn thu nhập từ 50-60 triệu đồng/năm. Chị Mỷ chia sẻ: Thức ăn cho vật nuôi tại gia đình tôi được tận dụng từ phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp, do đó chất lượng thịt được người tiêu dùng đánh giá cao.
Theo ghi nhận của PV, để có sản phẩm phục vụ thị trường Tết, nông dân trên địa bàn các xã, thị trấn trong huyện Mèo Vạc cũng đang đẩy mạnh sản xuất, tích cực chăm sóc cây trồng, tập trung vào các mặt hàng nông sản sạch.
Chị Sùng Thị Máy, thôn Há Dấu Cò, xã Cán Chu Phìn cho biết: Từ tháng 10/2023 sau khi thu hoạch vụ ngô xong, gia đình tôi đã tranh thủ làm đất để gieo trồng giống rau bắp cải, su hào và một số loại rau khác. Đến nay vườn rau của gia đình đang sinh trưởng, phát triển tốt chuẩn bị cho thu hoạch.
Theo thống kê của Phòng nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mèo Vạc, hiện nay toàn huyện có gần 94.000 gia súc, trên 570.000 gia cầm và hơn 2.000 ha cây rau màu vụ Đông, nhiều ha rau màu đã đến kỳ thu hoạch tập trung nhiều ở các địa phương như: Nậm Ban, Tát Ngà, Niêm Sơn, Pả Vi, Thị trấn Mèo Vạc…
Ông Tề Văn Lâm, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mèo Vạc thông tin: Trước đó các hộ dân ở Mèo Vạc chỉ sản xuất nông nghiệp với quy mô nhỏ, lợi nhuận kinh tế không cao. Nhiều năm gần đây nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nên người dân đã bắt đầu tập trung sản xuất các sản phẩm nông nghiệp năng suất cao, đa dạng về chủng loại, đáp ứng nhu cầu thị trường.