Thưa Đại tá, tỉnh Kiên Giang là địa phương có đông đồng bào Khmner sinh sống, theo đó, thời gian qua BĐBP tỉnh Kiên Giang đã triển khai nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên biên giới quốc gia gắn với vai trò của đồng bào ở khu vực biên giới (KVBG) như thế nào?
Kiên Giang được biết đến là tỉnh nằm ở phía Tây Nam của Tổ quốc, có bờ biển dài khoảng 200km, giáp với vùng biển các nước Campuchia, Malayxia, Thái Lan, có hơn 140 hòn đảo lớn nhỏ, thuộc 05 quần đảo. Kiên Giang có đường biên giới đất liền giáp nước bạn Campuchia, trên địa bàn có 8 cửa khẩu (01 cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, 01 cửa khẩu quốc gia Giang Thành còn lại cửa khẩu phụ).
Phát huy vai trò của Nhân dân trong bảo vệ chủ quyền và an ninh biên giới quốc gia là biện pháp quan trọng và cũng là truyền thống của BĐBP. Ngay từ đầu năm, Đảng uỷ, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang xác định, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo là một trong những nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chung bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Để hoàn thành được nhiệm vụ này, ngoài phát huy vai trò nòng cốt chuyên trách BĐBP Kiên Giang còn phải huy động một lực lượng rất lớn và không thể tách rời, đó là quần chúng Nhân dân.
Quán triệt tinh thần này, năm 2023 BĐBP đã phối hợp với 10 Huyện ủy, Thành ủy biên giới, biển đảo thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 01 của Thủ tướng chính phủ "về việc tổ chức phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới"; phát động phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc được quần chúng nhân dân hưởng ứng tham gia, đã có 13 tập thể, 203 hộ gia đình, 353 cá nhân tự nguyện đăng ký tự quản 49.677 km đường biên giới và 23 cột mốc chính, 80 mốc phụ; tham mưu, phối hợp với các huyện, thành phố biên giới, biển đảo thành lập 179 tổ tự quản, 100 tổ tàu thuyền, 18 bến bãi với hơn 10.488 thành viên trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Bên cạnh đó, chúng tôi chỉ đạo các Đồn Biên phòng (ĐBP) cử những đồng chí có phẩm chất, có năng lực tham gia cấp ủy các xã biên giới biển, đồng thời là cử những đồng chí đảng viên về tham gia sinh hoạt chi bộ Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo của tổ chức cơ sở Đảng đối với các nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo.
Kiên Giang là địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Đại tá có thể khái quát về kết quả công tác phối hợp giữa BĐBP và Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang có những nội dung nào được ưu tiên thưa Đại tá?
Biên giới, biển đảo không chỉ là phên giậu, cửa ngõ của tỉnh, là nơi có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, mà còn có ý nghĩa to lớn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của Kiên Giang. Quản lý, giữ gìn, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, canh giữ biên cương của Tổ quốc không chỉ là nhiệm vụ của BĐBP mà là sự vào cuộc của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, của cả hệ thống chính trị.
Từ đó, theo chương trình phối hợp giữa hai đơn vị, chúng tôi tập thực hiện nhiều phần việc quan trọng, trong đó, có công tác Phối hợp vận động đồng bào các dân tộc tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội KVBG luôn được trú trọng và thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh đó, việc ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực là người DTTS, hai cơ quan thống nhất phối hợp cùng tham gia củng cố, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, đào tạo nguồn là con em đồng bào dân tộc. Đã có những đề xuất trong công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, chú trọng thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự, học sinh các trường phổ thông dân tộc nội trú, bồi dưỡng đoàn viên ưu tú là người DTTS giới thiệu kêt nạp đảng viên mới và phát triển đội ngũ cán bộ BĐBP, cán bộ, công chức, viên chức là người dân tộc ở vùng đồng bào DTTS.
Đồng thời hai bên thống nhất thực hiện tốt Chỉ thị 06 của Thủ tướng Chính phủ “Về phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; Quyết định số 18 và số 56/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “về chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS”. Theo đó, hai đơn vị đã luôn quan tâm, chăm lo đối với các vị sư sãi, Achar và Ban quản trị chùa, và những người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc ở KVBG.
Với phương châm bảo vệ biên cương không chỉ là bảo vệ đường biên, cột mốc, mà còn là giữ gìn, xây đắp tình hữu nghị giữa Nhân dân hai bên biên giới, thời gian qua, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp tốt với Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh tăng cường công tác đối ngoại Nhân dân.Trong đó có việc hỗ trợ giúp Nhân dân và các lực lượng bảo vệ biên giới bạn phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống. Từ đó, tình đoàn kết giao thoa qua lại làm ăn giữa các ấp, phum biên giới đối diện ngày càng được gắn bó, khi có vụ việc phức tạp nổi lên trên biên giới đều được hai bên thống nhất xử lý nhanh chống, kịp thời.
Như Đại tá đã thông tin, công tác vận động đồng bào tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh KVBG luôn được quan tâm. Trong thời gian sắp tới, BĐBP Kiên Giang sẽ triển khai công tác này như thế nào để tiếp tục phát huy hiệu quả, thưa Đại tá?
Để phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, đồng thời nâng cao công tác phối hợp giữa hai cơ quan trong thời gian tới, lãnh đạo hai bên đã thống nhất sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân ở khu vực biên giới, biển đảo thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nhất là Luật Biên phòng Việt Nam, các quy định của pháp luật liên quan đến quy chế khu vực biên giới trên đất liền, khu vực biên giới biển; phòng chống các loại tội phạm ở khu vực biên giới; phòng chống xuất nhập cảnh trái phép và chống khai thác IUU...
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường, duy trì thường xuyên việc gặp gỡ, trao đổi thông tin, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm giữa lãnh đạo và cơ quan chuyên môn các bên. Qua đó tạo sự gắn kết chặt chẽ, thống nhất quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai, cụ thể hóa kịp thời, hiệu quả các nội dung phối hợp.
Đặc biệt thời gian tới, chúng tôi sẽ nghiên cứu đề xuất, tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện mô hình chung giữa hai bên để phát huy hiệu quả hơn nữa trong thực tế. Nhiệm vụ đấu tranh với các hành vi lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nội dung mà hai đơn vị đặc biệt quan tâm. Theo đó, chúng tôi đã tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền giáo dục, vận động người có uy tín trong đồng bào dân tộc nắm vững và chấp hành tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là Hiệp định, Quy chế biên giới, Luật Biên giới quốc gia, Luật Biên phòng Việt Nam, chính sách dân tộc, tôn giáo... Trên cơ sở đó hai bên đã tích cực vận động chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong đồng bào Khmer trực tiếp tham gia và vận động đồng bào mình cùng tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ở địa bàn, nêu cao tinh thần cảnh giác kịp thời phát hiện đấu tranh, tố giác các hành vi lợi dụng vấn đề dân tộc, dân chủ, nhân quyền… để xuyên tạc chính sách dân tộc, tôn giáo của Nhà nước ta.
Công tác phối hợp tuyên truyền vận động đồng bào trong các dịp lễ kỷ niệm đều được hai cơ quan, đơn vị quan tâm, như: Tết cổ truyền, các ngày lễ truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer, BĐBP tỉnh đã tổ chức thăm, tặng quà các vị sư sãi, Achar và Ban quản trị chùa Khmer, và những Người có uy tín trong cộng đồng các dân tộc ở KVBG. Qua các họat động thường xuyên, cụ thể đã giúp cho đơn vị kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đồng bào DTTS; tình hình an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên KVBG và biển, đảo. Giải quyết kịp thời những vụ việc phát sinh, đảm bảo công tác bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Đặc biệt, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp để đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức quần chúng với nhiều phong trào, mô hình thiết thực, như: Chương trình “Nâng bước em tới trường - Con nuôi Đồn Biên phòng”, Chiến dịch “Hãy làm sạch biển” “Ngày Chủ nhật xanh”, “Thứ bảy tình nguyện”, “Tháng Thanh niên”, “Tháng ba biên giới”; phong trào “Thanh niên BĐBP rèn đức, luyện tài, xung kích, sáng tạo, vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”; phong trào “Thanh niên BĐBP tỉnh Kiên Giang xung kích học tập ngoại ngữ và tiếng DTTS”... Qua các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều mô hình giúp an dân KVBG, tiếp tục xây dựng hình ảnh tốt đẹp của bộ đội cụ Hồ trong lòng nhân dân theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 28/9/2018 của Bộ Chính trị về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia... Thường xuyên “bám trụ, bám dân, bám địa bàn”, thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc”, bảo vệ dân, bảo vệ biên giới.
Xin trân trọng cảm ơn Đại tá Huỳnh Văn Đông!