Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ V, Liên hoan cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh Kon Tum lần thứ II năm 2024 diễn ra từ ngày 11-14/12, với sự tham gia với hơn 1.000 nghệ nhân, nghệ sỹ đến từ các huyện, thành phố, các lưu học sinh của nước bạn Lào, Campuchia và các nghệ sỹ đến từ tỉnh An Giang đã thực sự tạo dựng một không gian gặp gỡ, giao lưu văn hóa của các nghệ nhân, nghệ sỹ; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc; tôn vinh, quảng bá về văn hóa - con người Kon Tum, những đặc trưng văn hóa "Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên", về tiềm năng phát triển du lịch của vùng đất Kon Tum trong quá trình hội nhập và phát triển.
Theo đánh giá của Ban Tổ chức, Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2024 đã thành công tốt đẹp. Với Chủ đề “Trải nghiệm văn hoá - Khám phá thiên nhiên”, trong chuỗi các hoạt động của sự kiện, nhiều hoạt động có ý nghĩa đến công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, phát triển kinh tế, du lịch đã diễn ra như: Liên hoan cồng chiêng, xoang các DTTS; Trình diễn, giới thiệu lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hoá truyền thống; Lễ hội đường phố; Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tỉnh Kon Tum; Hội thảo về xây dựng, bảo vệ, phát triển thương hiệu sâm Việt Nam - sâm Ngọc Linh...
Các đội nghệ nhân đã mang đến Liên hoan những phần trình diễn vô cùng đa dạng, đặc sắc và đầy cuốn hút. Đó là những tiết mục hát dân ca, hát giao duyên; là những nghi lễ được tái hiện chân thực; là màn hòa tấu nhạc cụ đầy sắc màu và hơn trên hết là những tiếng cồng chiêng lúc rộn rã, lúc trầm hùng... Qua đó, giúp sự kiện ghi dấu ấn đậm nét trong lòng người dân, du khách, góp phần tôn vinh, quảng bá về tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum cho biết: Ngay sau khi Tuần Văn hóa – Du lịch và Liên hoan cồng chiêng, xoang kết thúc, tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục triển khai những bước đi mạnh mẽ, vững chắc hơn trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh. Việc làm này cần một chương trình chi tiết, lộ trình rõ ràng và có sự chung tay của các cấp chính quyền, toàn thể nhân dân, nghệ nhân. Bảo tồn và phát huy các giá trị di sản chưa bao giờ là dễ dàng, nhanh chóng mà cần sự bền bỉ, đồng lòng của tất cả nghệ nhân – những chủ nhân văn hóa. Sự chủ động, tình yêu, tâm huyết với cội nguồn văn hóa truyền thống chính là ngọn đuốc cho sức sống bền vững của di sản.
Tại Lễ bế mạc, Ban Tổ chức đã trao 10 Giải toàn đoàn; 30 giải chương trình cho Hội thi cồng chiêng, xoang và phần thi trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi lễ truyền thống; 03 giải chuyên đề, gồm: Trang phục truyền thống ấn tượng nhất, nghệ nhân nhỏ tuổi xuất sắc nhất, nghệ nhân lớn tuổi xuất sắc nhất; trao 36 giấy chứng nhận cho các nghệ nhân có thành tích xuất sắc trong việc tham gia hướng dẫn cho các Đội nghệ nhân tham gia các hoạt động của Hội thi và 16 giấy chứng nhận cho các nghệ nhân tham gia trình diễn chỉnh âm cồng chiêng.