Bên cạnh đó, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới; góp phần giảm dần sự chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các dân tộc, gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc; đồng thời tăng cường đầu tư của Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa, huy động mọi nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số ở Sơn La.
Theo kế hoạch,
bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La giai đoạn 2021 - 2025 gồm: Nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, tư liệu hóa, giới thiệu một số nghi lễ tiêu biểu, một số nghề thủ công truyền thống đặc sắc, một số loại hình nghệ thuật truyền thống của các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La; tổ chức truyền dạy một số loại hình nghệ thuật của các dân tộc… Đáng chú ý, tỉnh Sơn La sẽ bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số như: Nghi lễ xíp xí của người Thái trắng; nghệ thuật chế tác và trình diễn Khèn bè của dân tộc Thái; nghi lễ cúng bản của dân tộc Khơ Mú; nghi lễ cúng dòng họ của người Thái trắng; nghi lễ cầu sức khỏe của dân tộc Xinh Mun; nghi lễ trưởng thành của dân tộc La Ha; nghi lễ cầu mùa dòng họ của người Dao tiền…
UBND tỉnh Sơn La giao các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tuyên truyền về công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tại địa phương; tích hợp, cụ thể hóa các chính sách, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ và tỉnh Sơn La về công tác dân tộc, bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc góp phần phát triển kinh tế - xã hội, gắn với phát triển du lịch tại địa phương.
Văn hóa các dân tộc thiểu số là tài sản quý báu góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng mà thống nhất của văn hóa Việt Nam. Văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La là bộ phận cấu thành của văn hóa vùng Tây Bắc thuộc cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam. Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La góp phần làm cho nền văn hóa Việt Nam phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.