Lời nói trở thành tiêu chuẩn để đánh giá nhân cách con người, trong ca dao có câu: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/Người khôn nói tiếng dịu dàng, dễ nghe”. Lời ăn tiếng nói được nâng lên thành một triết lý: “Đất tốt trồng cây rườm rà/ Những người thanh lịch nói ra dịu dàng”. Nghĩa là nơi nào có môi trường xã hội tốt, lành mạnh thì mới có thể “trồng” ra được những người thanh lịch. Đây là sự gặp gỡ quan niệm của cha ông ta với khoa học tâm lý, giao tiếp hiện đại: Hoàn cảnh nảy sinh và quy định tính cách. Dân gian cũng rất có lý khi coi lời nói là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất giữa con người với con người: “Lời nói chẳng mất tiền mua/Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Nhưng hình như thời buổi văn minh hôm nay người ta cứ muốn đi ngược lại cái có thể gọi là thể hiện rõ nhất bản sắc văn hóa Việt. Trên xe buýt là nơi công cộng (thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19) nhưng không thiếu cảnh nói to, chen lấn, xô đẩy, ồn ào. Có nhiều bạn sinh viên lên xe buýt ngồi chễm chệ trên ghế nói chuyện điện thoại oang oang như xung quanh không có ai. Mặc cho cụ già đứng bên cạnh hai tay đang ôm thành ghế vì sợ ngã…
Thế nhưng, cái đáng sợ nhất của những ai yếu thần kinh là tiếng còi xe. Có những trường hợp xảy ra tai nạn giao thông vì bị giật mình, lạng tay lái rồi ngã ra đường do tiếng còi xe đột ngột vang lên quá lớn. Rồi những tiếng nổ chói gắt inh tai như pháo nổ, như súng bắn phát ra từ những chiếc xe máy đang chạy điên cuồng, lạng lách điên cuồng mà người cưỡi trên chúng là những thanh niên, có cả "nam thanh nữ tú". Còi càng to, tiếng máy nổ càng giòn, càng chói gắt càng được coi là ăn chơi sành điệu.
Có một người Lào đã từng nhận xét “Hễ đi bằng ô tô hay xe máy bên Lào, cứ nghe thấy xe nào dùng còi thì người lái xe đó gần như chắc chắn là người Việt!”.
Những thói quen xấu của người Việt nếu không được truyền thông, báo chí phản ánh thường xuyên để mỗi cá nhân tự nhận ra, tự điều chỉnh hành vi của mình thì sẽ làm mất đi hình ảnh đẹp của người Việt Nam trong mắt người nước ngoài.