Nhường nhịn không phải là hạ thấp bản thân, mà để giữ hòa khí với mọi người xung quanh và an toàn cho bản thân. Nhờ biết nhường nhịn, mà cuộc sống mới có những điều tốt đẹp. Nhường nhịn có khi là chịu thiệt về bản thân, đổi lại ta được mọi người yêu quý và kính trọng. “Một điều nhịn chín điều lành” ở đây không có nghĩa là nhu nhược, hèn nhát. “Một điều nhịn chín điều lành” ở đây là “lùi một bước để tiến hai bước”.
Ở thời đại ngày nay, giữa cuộc sống công nghiệp, hối hả, con người càng phải biết học tập những giá trị tinh thần về nhường nhịn quý báu của ông cha xưa. Đó là triết lý sống, là phương châm ứng xử khôn ngoan không chỉ cho mỗi người, mà còn vận dụng cho vận mệnh của cả dân tộc. Nhường nhịn là nhân tố cực kỳ quan trọng để xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc, xây dựng gia đình hạnh phúc, xóm làng yên vui.
Ngày xưa ông cha ta khuyên: “Một điều nhịn là chín điều lành” có lẽ cũng là bởi trong cuộc sống có quá nhiều biểu hiện của sự tranh giành, đấu đá lẫn nhau, lại có thói quen đặt quyền lợi cá nhân lên trên tất cả, cho nên mọi thứ lễ nghĩa trong giao tiếp xử thế thường bị coi nhẹ.
Trong bất kỳ tình huống nào, người biết nhường nhịn có ý thức cao độ làm chủ bản thân mình, rất bình tĩnh, từ lời nói đến cử chỉ hành động đều từ tốn, nhẹ nhàng. Họ lấy “Một điều nhịn, chín điều lành” làm phương châm, lẽ sống, cách ứng xử của họ.
Trong gia đình, đối với ông bà, cha mẹ, vợ chồng, anh em nếu luôn sống hòa thuận, biết kính trên nhường dưới, cảm thông lẫn nhau thì gia đình sẽ luôn hạnh phúc. Con cháu, anh em ruột mà nổi lòng tham, tranh giành nhau quyết liệt, bất chấp đạo lý luân thường, đánh nhau gây đổ máu, thậm chí xảy ra án mạng thì thật là táng tận lương tâm! Nếu biết nhường nhịn nhau thì đâu xảy ra bao chuyện thương tâm, đau lòng!