Khoảng 14 giờ ngày 26/2, tại bản Nậm Dê, xã Sơn Bình (huyện Tam Đường) xảy ra vụ cháy rừng. Ngay sau khi đám cháy xảy ra, chính quyền địa phương đã huy động gần 1.000 người gồm các lực lượng công an, quân đội, kiểm lâm, dân quân tự vệ và người dân các xã lân cận để dập lửa. Sau hơn 12 giờ chữa cháy, đến rạng sáng ngày 27/2, ngọn lửa mới được dập tắt hoàn toàn.
Thống kê của chính quyền địa phương, vụ cháy rừng đã làm thiệt hại hơn 30 ha rừng các loại. Nguyên nhân xảy ra cháy, được xác định là do một hộ dân ở bản Nậm Dê đốt cây bụi để làm nương, do bất cẩn nên lửa cháy lan vào rừng.
Ông Trần Văn Sứng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường cho biết: Huyện đang chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xác minh, củng cố hồ sơ, làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ việc để xử lý theo quy định của pháp luật.
Hiện nay đang là cao điểm của mùa đốt nương làm rẫy; khi đốt nương phải báo cáo với thôn, bản, yêu cầu làm đường băng cản lửa và có người canh gác cho đến khi lửa tắt hẳn mới ra về.
Ông Trần Văn SứngPhó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường
Từ vụ việc cháy rừng xảy ra ở xã Sơn Bình, huyện Tam Đường cho thấy, chỉ cần một chút bất cẩn của người dân là có thể tạo ra một đám cháy lớn và gây ra những thiệt hại về rừng. Mặc dù đám cháy đã được khống chế, nhưng cũng làm tiêu tốn rất nhiều công sức của hàng nghìn người.
Được biết, toàn tỉnh Lai Châu hiện có trên 453 nghìn ha rừng, trong đó có gần 162 nghìn ha rừng thuộc vùng trọng điểm cháy, nguy cơ cháy cao và rất cao. Tại Hội nghị giao ban về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng năm 2020 - 2021 vừa qua, UBND tỉnh Lai Châu yêu cầu, các huyện, thành phố duy trì lực lượng ứng trực 24/24 giờ để theo dõi, cập nhật thông tin cảnh báo cháy. Kịp thời cung cấp thông tin cho UBND cấp xã và các chủ rừng để chủ động các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng; cấp ủy, chính quyền địa phương có phương án chữa cháy cụ thể, phù hợp với từng khu vực có nguy cơ cháy rừng…
Tại Hội nghị này, ông Hà Trọng Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cũng nêu rõ: các huyện, thành phố tập trung công tác tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, vận động đồng bào địa phương, đặc biệt là các hộ dân ở các khu vực gần rừng tham gia bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn thực hiện trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đối với chủ rừng. Ban quản lý rừng phòng hộ huyện và cấp ủy chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn đăng ký thời gian đốt xử lý thực bì trồng rừng và đốt nương rẫy với UBND cấp xã.
Việc trồng và phát triển rừng đòi hỏi thời gian lâu dài; trong khi đó, nếu xảy ra cháy rừng thì chỉ trong thời gian ngắn sẽ làm mất đi diện tích rừng lớn, ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường sinh thái, cũng như đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Chính vì vậy, để bảo vệ diện tích rừng hiện có, thiết nghĩ, bên cạnh sự vào cuộc của các ban ngành chức năng, cấp ủy chính quyền các địa phương, thì mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức chung tay, góp sức vào công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.