Tục ngữ Mường có câu “Trâu ra đồng ăn cỏ, người đến nhà ăn cơm”. Khách đến nhà nhất thiết phải theo lệ này. Là khách quý, chủ nhà sẽ lên gác hạ bó lúa giống xuống để cho vợ con xay giã đãi khách. Còn chủ nhà là nam giới thì hạ tấm lưới ở bếp ra suối hoặc ao nhà, đánh cho được vài con cá làm cơm.
Bữa ăn có uống rượu cần (loại rượu ủ men từ nếp cái không qua chưng cất). Chủ khách nói chuyện bên mâm cơm vui vẻ. Nếu ta chú ý sẽ thấy gia chủ tiếp chuyện rất nhã nhặn, khiêm nhường. Ví dụ: Cơm tươm tất đến mấy, chủ vẫn nói là cơm muối, canh nhạt. Rượu ngon đến mấy, chủ vẫn bảo là rượu nhạt rượu chua. Nhã nhặn, khiêm nhường là đặc trưng trong ứng xử, trong giao tiếp của người Mường.
Khi có bạn đến nhà chơi, dù thân hay sơ thì khi đã tới chân thang, gia chủ cũng đon đả ra chào. Gia chủ trải chiếu hoa bên cửa sổ sàn nhà, trước là uống nước, sau là uống rượu. Mở đầu là hỏi han bố mẹ, gia đình vợ con, kế đó mới đến chuyện đời sống thường nhật. Người thân của gia chủ làm đồng về thì họ đi nhanh vào gian trong; khi đã rửa ráy, mặc quần áo sạch sẽ rồi mới lần lượt ra chào khách.
Trong bữa ăn, bao giờ cũng có lời khen của khách để làm vừa lòng nhà chủ. Theo người Mường: “Ăn cơm không khen cơm ngon, Mất lòng người giã gạo, Uống rượu không khen rượu ngon, Mất lòng người ủ men…”.
Xã hội Mường đề cao người cao tuổi. Tôn trọng người già là truyền thống đã cho họ nhiều kinh nghiệm sản xuất và ứng xử xã giao. Họ là trụ cột tinh thần của cộng đồng. Bản tính chung của người Mường là trung thực, thẳng thắn, khinh ghét những người coi vật chất cao hơn tình người. Khi đã tin nhau thì coi nhau là anh em, sống chết vì nhau.
Những nguyên tắc và nghệ thuật trong đối nhân xử thế được người Mường chuyển giao qua nhiều thế hệ, tạo nên gia phong trong mỗi nếp nhà và sự cố kết xóm làng, gắn kết cộng đồng, quê hương. Những tục lệ đẹp nuôi dưỡng lòng nhân ái nơi mỗi con người, tạo nên lối sống chan hòa, giàu tình cảm. Đó chính là di sản văn hóa phi vật thể quý giá cần được bảo tồn, lưu giữ, truyền lại cho thế hệ mai sau.