Đặc điểm và công dụng của cây mận
Mận là cây ăn quả được trồng nhiều ở vùng miền núi phía Bắc như Sơn La, Sapa, Bắc Hà… Cây thân gỗ, cành nhẵn có màu nâu, đỏ, bóng. Lá hình mũi mác, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông. Hoa màu trắng thường tạo thành cụm 3 hoa. Quả tròn, nhẵn khi chín có màu sắc thay đổi thành tím hoặc màu vàng lục. Mận là loại quả mùa hè mọng nước, vào vụ từ tháng 5 – tháng 6, vừa ngọt vừa chua rất được ưa thích. Không chỉ chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khoẻ mà các bộ phận của cây mận gồm quả, rễ, vỏ rễ, nhựa, lá, nhân hạt… đều có tác dụng làm thuốc chữa bệnh.
Quả mận còn được biết đến là một vị thuốc trong t học cổ truyền. Tính thành phần dinh dưỡng quả mận chứa 82% nước; 3,9% gluxit; 1,3g axit hữu cơ; 28mg canxi; 20mg% phosphor; 0,3mg caroten... đều là dưỡng chất cần thiết có lợi cho sức khỏe.
Quả mận có công dụng thanh can, điều nhiệt, giải độc, hoạt huyết, sinh tân, chỉ khát, lợi thủy. Được sử dụng trong điều trị các chứng hư lao, nóng trong xương, chữa tiểu đường, bụng tích nước, bệnh gan, thủy thũng.
Hạt mận là vị thuốc lý tử nhân, hay lý hạch nhân, có chứa các chất amygdalin. Theo Y học cổ truyền, vị thuốc lý tử nhân có vị ngọt, đắng, tính bình, đi vào kinh can. Lý tử nhân có tác dụng hoạt huyết, tán ứ, nhuận tràng thông tiện. Nó được sử dụng trong các trường hợp bầm tím, sưng đau do vấp ngã, các chứng ho đàm, thủy khí ủng trệ, đại tiện bí táo.
Lá mận là vị thuốc có tên gọi là lý thụ diệp có vị ngọt, chua, tính bình, được sử dụng trong điều trị các chứng sốt cao, kinh giật ở trẻ, tác dụng giảm ho, điều trị các vết thương.
Nhựa cây mận là vị thuốc có tên gọi lý thụ giao thường dùng nhựa khô ở thân cây mận. Nhựa mận thường được sử dụng trong điều trị mắt có màng, tác dụng giảm đau, tiêu sưng, thúc sởi mọc.
Rễ mận có tính mát, hơi lạnh, vị đắng,…có tác dụng thanh nhiệt giải độc, được dùng trong điều trị các chứng tiểu buốt, tiểu rắt do thấp nhiệt, các trường hợp đi lỵ ra máu.
Vỏ rễ mận thường được gọi là lý căn bì, là phần vỏ trắng rễ cây mận. Vỏ rễ mận có tác dụng thanh nhiệt, giải trừ uất nhiệt do phong mộc, điều trị tiểu đường, tâm phiền, có thể hạ khí trong chứng bôn đồn khí ngược lên, điều trị các trường hợp khí hư, đau răng, lở loét...
Bài thuốc dân gian hiệu quả từ cây mận
Cổ trướng do xơ gan: Hằng ngày nên ăn một lượng mận thích hợp. Hoặc vỏ rễ mận 30g, rễ khế 30g, phật thủ 6g, thanh bì 9g, xuyên luyện tử 6g, sắc uống.
Chữa trẻ sốt cao co giật: Lấy 20-30g lá mận sắc lấy nước uống.
Chữa chứng khô miệng: mận tươi 5-10 quả ép nước cho thêm ít đường, uống ít một.
Chữa bệnh lỵ: lấy vỏ thân cây mận một nắm khoảng 30-50g sắc uống.
Chữa táo bón: nhân hạt mận 10g, đào nhân 10g, hạnh nhân 10g, sắc uống ngày 3 lần.
Vết thương do côn trùng đốt: Sử dụng hạt mận rửa sạch, giã nát rồi đắp lên vết thương trong 5 phút rồi rửa sạch, ngày đắp như vậy 2 lần.
Hỗ trợ điều trị đái tháo đường: Dùng 0,5kg quả mận tươi, đem rửa sạch, bỏ hạt, ép lấy nước, chia uống 3 lần trong ngày, dùng liền 10 ngày.
Hoặc: quả mận tươi bỏ hạt ép nước uống ngày vài lần, mỗi lần 2-3 thìa.
Giảm đau nhức răng: Dùng 30g rễ mận, sắc đặc với 100ml nước, dùng nước này để ngậm 5 - 7 phút vào buổi sáng, chiều và buổi tối trước khi đi ngủ, ngậm 5 ngày liền.
Chữa mắt sưng đau: Dùng bột hạt mận 1-2g, sau đó uống với nước sắc hoặc hãm từ hạt muồng sao sẽ hiệu quả.
Tác dụng nhuận tràng: Sử dụng nhân hạt mận 10g, hạnh nhân 10g, đào nhân 10g. Sắc các vị thuốc này với 700ml, cho đến khi còn 250ml, chia ra uống 2 lần trong ngày, dùng liền 10 ngày.
Chữa đau nhức xương khớp khi thời tiết thay đổi: Sử dụng lá mận 50g, lá đào, lá si, lá thài lài tía, lá dâm bụt mỗi thứ 30g. Các lá này đem rửa sạch, giã nhỏ, sau đó sao vàng ngâm với rượu 10 - 15 ngày. Sử dụng rượu này để xoa bóp chỗ đau ngày 2 lần.
Làm đẹp da mặt: Sử dụng 250g quả mận tươi, rửa sạch, bỏ hạt, giã nát, ép lấy nước sau đó hoà với 250ml rượu gạo, đựng hỗn hợp này trong lọ kín để dùng dần, mỗi lần 10 - 20ml, ngày uống 2 lần.
Chữa tàn nhang, sạm đen: Dùng hoa mận, giã nhuyễn, xoa xát vào vùng da bị tàn nhang, hay da sạm, có thể chỉ sau 5 phút đã làm da sáng ra.
Điều trị vết thương: Dùng 8-12g lá mận khô sắc uống. Hoặc dùng ngoài có thể nấu lấy nước, bỏ bã tắm cho trẻ hoặc giã lá mận tươi lấy nước cốt thấm vào chỗ sưng đau.
Thúc sởi mọc: Dùng nhựa mận từ 8-16g sắc uống.
Thiếu máu: Nên ăn mận khô hoặc tươi.
Thanh nhiệt giải nóng: Nước mận, nước dưa hồng, nước nho mỗi loại 10g, trộn đều uống.
Kém ăn: Mận tươi vài quả, nho khô 6g, nhai ăn trước mỗi bữa cơm.
Ngộ độc rượu: Uống nước mận tươi, mận khô thì sắc lấy nước.
Trị sưng phù gan, chữa vết thương do bọ cạp cắn: Dùng nhân quả mận đắng, giã nát nhuyễn như bùn, rồi bôi xát vào nơi bọ cạp cắn sẽ khỏi.
Điều trị trẻ em bị sốt nóng, mụn nhọt, đan độc: Có thể sử dụng dưới dạng thuốc sắc uống ngày 8-12g rễ mận. Khi sử dụng điều trị bên ngoài sao tồn tính, nghiền thành bột, đắp hoặc rắc lên vết đau.
Trẻ chân yếu, chậm biết đi: ăn mận chín sống hàng ngày vài quả lúc no hoặc ninh với chân gà để ăn với cơm hoặc nấu cháo (chân gà bóc sạch da, ninh xong bỏ xương lấy gân chín nhừ. Tránh gây hóc cho trẻ).
Dụng thanh nhiệt giải độc, dùng trong các chứng đái buốt, đái dắt do thấp nhiệt, các trường hợp đi lỵ ra máu, bệnh tiêu khát, trẻ em sốt nóng, mụn nhọt: Rễ mận 8-12g, sắc uống. Dùng ngoài sao tồn tính, nghiền thành bột, đắp hoặc rắc lên vết đau.
Chữa khí hư, bạch đới: Lấy rễ mận 20-30g, sắc lấy nước uống, chia 2-3 lần trong ngày.
Lưu ý
Không nên sử dụng quá 10 quả mận một ngày và cũng không nên sử dụng mận liên tục nhiều ngày để tránh các tác động xấu cho sức khỏe.
Nên ăn chín, khi ăn xong không uống nhiều nước gây đi đại tiện lỏng.
Đối với phụ nữ mang bầu và có cơ địa thân nhiệt nóng hơn bình thường, nên hạn chế ăn quá nhiều mận để tránh nguy cơ phát ban và đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và thai nhi
Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, không nên ăn mận chín quá nhiều, vì chất đường có trong mận có thể có ảnh hưởng xấu đến tình trạng bệnh.
Không nên ăn nhiều vì sẽ hại răng, dạ dày, sinh đờm.
Không ăn mận cùng mật ong, thịt chim sẻ.