Đặc điểm tự nhiên của củ ráy
Ráy là loài thực vật mọc hoang rất nhiều ở các khu vực vùng đất ẩm thấp, xuất hiện nhiều ở Việt Nam. Tuy không mất sức trồng trọt chăm sóc mà nó có thể tự sinh sôi phát triển nhưng theo y học dân tộc, củ ráy là một loại dược liệu quen thuộc, có thể chữa rất nhiều loại bệnh.
Cây củ ráy có hình dáng bên ngoài khá giống với cây dọc mùng, chính vì thế mà có rất nhiều người bị nhầm lẫn và không phân biệt được 2 loài cây này. Dưới đây là một số đặc điểm đặc trưng của cây củ ráy:
Cây ráy thuộc loại cây thân mềm, độ cao khá đa dạng thấp nhất là 0,3m nhưng cũng có thể phát triển lên đến 5m. Rễ cây có hình cầu, bò dưới mặt đất và mọc ra những củ ráy có nhiều đốt ngắn. Phần trên cây thẳng đứng với lá to, hình trái tim với chiều dài giao động từ 10cm đến 50cm còn chiều rộng trong khoảng 8cm đến 45cm. Lá cây có cuống dài từ 15cm đến tận 120cm.
Mùa cây ráy trổ hoa và kết quả trong khoảng tháng 1 đến tháng 5 hàng năm. Hoa cây ráy chia ra thành hoa đực và hoa cái, hoa đực tụ lại ở phía trên còn hoa cái thường ở gốc. Quả ráy có màu đỏ, trông như các quả mọng, quả trứng đỏ mọc thành bông.
Củ ráy thường được sử dụng làm dược liệu nhiều nhất trong các bộ phận của cây. Củ ráy dài, chia thành nhiều đốt ngắn và có vảy màu nâu. Thường thì những củ ráy được chọn để làm dược liệu sẽ trong khoảng cây có tuổi thọ từ 2 năm trở lên.
Bài thuốc chữa bệnh từ củ ráy
Chữa cao huyết áp do bệnh thận hoặc béo phì: Chuẩn bị củ ráy, chuối hột chín tới. Mang củ ráy gọt bỏ vỏ, thái thành lát mỏng rồi ngâm nước vo gạo trong 3 giờ sau đó rửa cho sạch, phơi đến khi củ ráy khô thì đem sao vàng. Chuối hột cũng thái thành lát mỏng sau đó phơi khô, sao vàng. Sắc 1 nắm chuối hột với 1/3 nắm củ ráy và 1 lít nước đến khi nước cạn còn lại 1 chén thì chắt lấy phần nước này chia thành 2 lần uống.
Chữa viêm da cơ địa: Rửa sạch 50g củ ráy, thái mỏng rồi đun sôi với 250ml dầu trẩu đến khi củ cháy đen thì bỏ bã. Cho tiếp 30g Hồng đơn đã rang khô vào khuấy đều, đun với lửa nhỏ cho đến khi hồng đơn chảy ra. Phun nước vào trong lúc cao đang nóng (vừa phun vừa khuấy) để khử độc tố trong cao. Thoa cao lên vùng da đã rửa sach và lau khô, dùng 1 lần/ngày.
Chữa đau nhức gân xương do tê thấp: Chuẩn bị 8g củ ráy, 6g bạch chỉ, 20g thổ phục linh, 10g ráng bay, 8g đương quy. Mang toàn bộ nguyên liệu sắc lấy nước chia thành 3 lần uống/ngày.
Chữa bệnh thoát vị đĩa đệm: Chuẩn bị củ ráy khô 30g, cao lương khương 20g , lá lốt 20g, vương tôn 30g, đỏ ngọn 30g, 700ml nước. Đem tất cả dược liệu sắc với lượng nước xâm xấp cho đến khi cạn còn 400ml thì chắt nước chia thành 3 lần uống/ngày.
Chữa thoái hóa cột sống: Củ ráy khô 30g, đỏ ngọn 30g, vương tôn 30g, lá lốt 20g, cao lương khương 20g. Sắc còn 400ml, uống 3 lần/ngày.
Chữa mụn nhọt: Dùng củ ráy 100g, củ nghệ 60g đem rửa sạch toàn bộ nguyên liệu rồi để ráo nước sau đó cho vào nồi cùng dầu vừng, nấu cho đến khi chín nhừ thì cho thêm chút dầu thông và sáp ong, khuấy đến khi tan thì tắt bếp. Đợi cho hỗn hợp vừa nấu nguội hẳn thì lấy một ít phết lên trên giấy bồi sau đó đem dán trực tiếp lên nốt mụn nhọt.
Chữa bệnh gout: Chuẩn bị 20g củ ráy thái lát phơi khô, 20g chuối hột già đã thái lát phơi khô. Đem sao vàng toàn bộ dược liệu đã chuẩn bị rồi sắc lấy nước uống hết trong ngày.
Chữa viêm đau nhức do viêm khớp dạng thấp: Chuẩn bị 20g mỗi vị củ ráy, chuối hột khô, lá lốt khô. Đem sắc toàn bộ dược liệu để lấy nước uống.
Chữa ngứa do dị ứng thời tiết: Củ ráy tươi, cắt đôi rồi xát trực tiếp vào vùng da bị ngứa.
Chữa cảm hàn: Chuẩn bị 1 củ ráy tươi. Mang cắt đôi củ ráy, lấy 1 nửa chà vào mu bàn tay và toàn bộ vùng lưng để thân nhiệt hạ xuống. Nửa củ còn lại hãy thái thành lát mỏng rồi sắc cùng nước đến khi còn được 1 chén thì lấy uống.
Chữa chàm da: Chuẩn bị 1 chén nhỏ dầu lạc, 10g diêm sinh, 1 con bọ hung, 1 củ ráy tươi. Đem nướng bọ hung thành than sau đó tán thành bột, trộn cùng diêm sinh. Trộn hỗn hợp này cùng với dầu lạc rồi dùng dao khoét lỗ nhỏ trên củ ráy, nhét hỗn hợp vào đó, đem nấu khoảng 15 phút và tắt bếp. Đến khi dầu nguội thì lấy lông gà sạch tẩm hỗn hợp này rồi thoa lên tổn thương do chàm. Làm như vậy mỗi ngày 1 lần, duy trì 5 ngày liên tục.
Lưu ý
Củ ráy gây ngứa, tính hàn, có độc tính. Vì thế, khi chữa bệnh bằng dược liệu này cần lưu ý:
Nhận diện đúng để tránh nhầm cây ráy với cây khoai môn.
Người có thể trạng hư hàn không chữa bệnh bằng cây ráy.
Không dùng cây ráy nếu có cơ địa dị ứng, dễ mẫn cảm.
Chỉ dùng củ ráy đã được nấu chín kỹ để không bị ngứa miệng và họng.
Do là phương pháp đơn giản, dân gian nên để kết quả chữa bệnh có hiệu quả cần kiên trì khi sử dụng và thường có tác dụng chậm.
Các phương pháp chữa bệnh bằng củ ráy thường chỉ có tác dụng với các bệnh nhẹ, giai đoạn đầu, ít có hiệu quả khi bệnh đã trở nặng.
Tùy cơ địa mỗi người mà phản ứng với củ ráy cũng sẽ khác nhau, chính vì vậy cần theo dõi cẩn thận khi sử dụng thuốc từ củ ráy.
Nếu xảy ra tình trạng kích ứng hay điều trị mãi không khỏi, cần đến bệnh viện để được điều trị tốt nhất.
Nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng.