Có “vốn” để thoát nghèo
Bản Xốp Cháo nằm trên những ngọn núi thấp. Đây là nơi quây quần sinh sống của 109 hộ, với 457 nhân khẩu là người Khơ mú. Tổng diện tích đất tự nhiên ở đây lên tới 6.972 ha.
Cụ Lô Tấn Đào, năm nay tuổi đã ngoài 80, nguyên Trưởng bản Xốp Cháo và đã kinh qua 4 nhiệm kỳ làm Bí thư Chi bộ tâm sự: “Bây giờ cuộc sống của đồng bào khác trước kia, con cháu biết chữ, từ tiểu học lên cấp hai, cấp ba đến đại học, chứ trước đây vất vả lắm, một năm thiếu ăn 5 - 6 tháng, chỉ sống dựa vào củ khoai, củ sắn. Được sự hỗ trợ của Nhà nước, kinh tế của đồng bào những năm gần đây đã khá hơn nhiều”.
Tuy nhiên đời sống của người dân vẫn còn rất nhiều khó khăn, phần vì hủ tục, phần vì giao thông cách trở, lại không có vốn, không tìm ra được phương thức làm ăn mới...Vì thế, tỷ lệ hộ nghèo ở Xốp Cháo vẫn còn rất cao.
“Cấp ủy, chính quyền các cấp và Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) từ tỉnh đến huyện, xã đã dành sự quan tâm đặc biệt đến các bản nghèo, đặc biệt những nơi có đông đồng bào DTTS, là những hộ ở vùng lõi nghèo nhất của tỉnh Nghệ An như Xốp Cháo.Trong đó có vấn đề bảo đảm các hộ dân có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn đầy đủ, kịp thời…”, cụ Đào cho biết thêm.
Gia đình anh Moong Văn Hiền, ở bản Xốp Cháo giờ đã an cư lạc nghiệp. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới ,để chuẩn bị vui Xuân đón Tết, anh khoe “vừa xây xong, hết 80 triệu đó”, rồi trầm ngâm bảo “10 năm trước không dám mơ”. Bởi trước đây khi chưa tiếp cận vốn chính sách, cuộc sống gia đình rất vất vả, khó khăn, con còn nhỏ. Cả gia đình anh chỉ trông vào làm rẫy, không có nương để trồng lúa, trồng sắn, bữa no, bữa đói thất thường. Vào mùa thì lên rừng hái măng kiếm thêm thu nhập.
“Cuộc sống khó khăn, vất vả nên ngày ấy khi được Ngân hàng CSXH cho vay tiền cũng chỉ dám vay 5 triệu đồng”, anh kể. Dồn hết tiền có được đầu tư vào chăn nuôi, lấy công làm lãi, tích lũy dần dần, cùng với Ngân hàng CSXH cho vay các lần vốn sau tăng lên 20 triệu đồng, và mới đây là 50 triệu đồng, anh Hiền đã gây dựng được đàn trâu, bò. Cùng với việc tận dụng đất làm rẫy, làm nương trồng lúa, cuộc sống gia đình đã đủ ăn, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học.
Đánh thức vùng đất nghèo
“Nhờ làm tốt công tác phát triển kinh tế, nên đời sống của bà con trong bản từng bước được ổn định, thu nhập bình quân đầu người hiện nay ước đạt 8-10 triệu đồng/khẩu/năm, hộ làm ăn khá ngày càng tăng, góp phần cùng cả xã từng bước giảm hộ nghèo một cách bền vững. Hiện nay, Xốp Cháo mới chỉ có 6 hộ thoát nghèo”, Trưởng bản Lô Văn Hưng cho biết.
Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Nghệ An, Nguyễn Văn Vinh cho biết: Cùng với việc lặn lội, vượt khó đưa vốn tín dụng về bản, Ngân hàng CSXH nhìn nhận việc phối hợp với chính quyền xã và bản tuyên truyền để đẩy lùi hủ tục, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tạo đột phá trong hành trình giảm nghèo cho Xốp Cháo.
Đồng thời, Ngân hàng CSXH huyện phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền các cấp; và cánh tay nối dài của Ngân hàng là tổ tiết kiệm vay vốn, hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả...,góp phần để giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Cũng bởi thế, nguồn vốn tín dụng chính sách từ những ngày đầu triển khai vào cuộc sống, đã trở thành một nguồn lực không thể thiếu để đánh thức vùng đất nghèo.
Tính đến nay, Ngân hàng CSXH huyện Tương Dương đang cho 76 hộ ở bản Xốp Cháo vay vốn, chiếm tỷ lệ 69,7%, trong đó có 58 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo và 2 hộ mới thoát nghèo vay, với dư nợ 2,8 tỷ đồng. Nguồn vốn chính sách đã và đang tạo điều kiện cho đồng bào vay để mua trâu bò, nuôi cá lồng bè… sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, có thêm động lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bản Xốp Cháo không có nợ quá hạn, nợ khoanh, tỷ lệ thu nợ đến hạn đạt trên 98%. Các tổ viên tham gia tiết kiệm đều đặn ở mức tối thiểu 100.000 đồng/hộ/tháng. Điều đó cho thấy, người dân Xốp Cháo chăm chỉ làm lụng, hiệu quả kinh tế tốt. Đến nay, cả bản có gần 1.000 con trâu bò, gần 1.400 con gia cầm, cùng với đó là 40 lồng cá bè của 9 hộ gia đình mang lại mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư Huyện ủy Tương Dương nhấn mạnh: “Thành quả lớn nhất từ vốn vay chính sách là thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới. Khi tư tưởng của người dân thay đổi, có ý chí tự lực, tự cường để vươn lên đó chính là tiền đề để mở ra một tương lai mới tươi sáng hơn cho bà con”.