Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới vừa xây xong, ông Lô Bún My ở bản Xốp Thạng, xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn xúc động nói: “Đã bao năm nay, gia đình tôi sống trong ngôi nhà dột nát mà không có điều kiện sửa chữa. Mỗi khi mưa bão về, tôi phải gửi mẹ già hơn 90 tuổi sang ở nhờ nhà hàng xóm. Ước mong có được ngôi nhà nhỏ để che mưa, che nắng mà không có khả năng làm được. May sao được các anh ở Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) huyện giúp gia đình tôi làm được ngôi nhà mới khang trang, vững chãi, gia đình tôi rất hạnh phúc, vui mừng...”.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông My cho biết thêm, ngoài việc kêu gọi cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương hỗ trợ kinh phí để gia đình ông mua nguyên vật liệu làm nhà, Ban CHQS huyện Kỳ Sơn còn huy động cán bộ, nhân viên trong đơn vị và dân quân xã Hữu Lập đến giúp ngày công xây dựng. Khi ngôi nhà hoàn thành, các anh lại vận động ủng hộ gia đình ông một con bò trị giá 12 triệu đồng để phát triển kinh tế...
Đem câu chuyện của gia đình ông Lô Bún My trao đổi với Thượng tá Vương Đình Hạnh, Chính trị viên Ban CHQS huyện Kỳ Sơn, anh cho biết: Kỳ Sơn là huyện rẻo cao biên giới, đồng bào DTTS chiếm tới 95% dân số; tỷ lệ hộ nghèo chiếm 42%, tình hình an ninh chính trị khá phức tạp... Để góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, năm 2021, Đảng ủy, Ban CHQS huyện Kỳ Sơn đã xây dựng mô hình “Giúp dân no đủ, tự chủ bản làng”. Từ mô hình này, Ban CHQS huyện trực tiếp giúp đỡ và kêu gọi các tổ chức đoàn thể, các nhà hảo tâm giúp các địa phương xây dựng nông thôn mới; tặng quà, giúp các hộ nghèo, các cháu học sinh và cán bộ, chiến sĩ dân quân có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp cung cấp giống cây trồng, vật nuôi cho các hộ nghèo phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống...
Để mô hình thực hiện có hiệu quả, Ban CHQS huyện đã chọn xã Hữu Lập làm điểm để rút kinh nghiệm nhân rộng ra các địa phương khác. Mặc dù, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng ngay sau khi ký kết thực hiện mô hình này với UBND xã Hữu Lập, Ban CHQS huyện đã có nhiều việc làm ý nghĩa như: Hỗ trợ 2 gia đình xóa nhà tranh tre dột nát; tặng 50 suất quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo trên địa bàn xã; tặng Trường Tiểu học Hữu Lập gần 3.500 quyển sách, 350 quyển vở; hỗ trợ bản Xốp Thạng làm tủ sách văn hóa và tặng 300 đầu sách. Hỗ trợ 2 tấn xi măng, hơn 50 ngày công giúp bản Xốp Thạng và bản Na đổ hơn 100 mét đường giao thông nông thôn.
Ngoài ra, Ban CHQS huyện Kỳ Sơn còn kêu gọi các nhà hảo tâm trên địa bàn tỉnh hỗ trợ 1.000 áo ấm cho các cháu học sinh, 1.000 áo sơ mi mới cho các hộ nghèo và 170 triệu đồng tiền mặt hỗ trợ bà con bản Chà Lằn và các hộ nghèo trên địa bàn xã.
Nói về hiệu quả của mô hình, ông Vi Hòe, Bí thư Huyện ủy huyện Kỳ Sơn nhận xét: “Mặc dù mô hình mới triển khai chưa đầy 1 năm nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực. Những việc làm ý nghĩa từ mô hình đã tạo động lực giúp bà con từng bước vươn lên ổn định cuộc sống.”.