Có mặt tại Làng Dân tộc Thái (thuộc Làng Văn hóa - Du lịch các Dân tộc Việt Nam) vào Ngày hội “Sắc Xuân trên mọi miền Tổ quốc” năm 2023, cùng nhiều đoàn du khách đến tham quan, chúng tôi bị thu hút bởi tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã. Chúng tôi rảo bước nhanh theo từng nhịp trống, thưởng thức phần trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại “Nghệ thuật Xòe Thái” độc đáo do đồng bào dân tộc Thái tỉnh Sơn La biểu diễn.
Người Thái quan niệm rằng, múa Xòe thì phải vui, càng đông thì càng vui, càng vui thì cây cối càng đơm hoa kết trái, mùa màng bội thu. Sau những ngày lao động vất vả trên nương rẫy, không khí rộn ràng của múa Xòe làm người ta quên đi những mệt nhọc thường ngày.
Hòa mình cùng Nghệ thuật Xòe Thái, đồng bào các dân tộc cũng như du khách được trải nghiệm, thưởng lãm những điệu xòe đặc trưng của tỉnh Sơn La như: Xòe nâng khăn mời rượu, Xòe bổ bốn, Xòe tiến lùi, Xòe tung khăn, Xòe vỗ tay múa vòng tròn, Xòe vòng, Xòe trong các nghi lễ, Xòe sóc ốc, Xòe bá vai…
Bà Lê Thị Vân - du khách đến từ tỉnh Nam Định bày tỏ: Đây là lần đầu tiên tôi được đến Làng Văn hóa tham quan, du lịch, được thưởng thức điệu Xòe Thái rất đặc sắc. “Xòe Thái hay quá, mê quá cháu ơi!”, bà Vân hào hứng.
Còn anh Hùng (con trai bà Vân) tươi cười: “Di sản văn hóa phi vật thể được công nhận rồi mà mẹ, phải độc đáo chứ!”. "Tôi đã được nghe đến nghệ thuật Xòe Thái từ lâu, nhưng thú thực, đến hôm nay tôi mới được xem trực tiếp. Tôi thấy rất thú vị và hấp dẫn", anh Hùng nhiệt tình chia sẻ thêm.
Khi được hỏi về điều gây ấn tượng nhất trong buổi trình diễn Xòe Thái, chị Kiều Anh (Thái Bình) cho biết: Tôi thích việc khán giả cũng được tham gia vào điệu Xòe. Tham gia vào mới biết, nhìn các nghệ nhân biểu diễn tưởng đơn giản, mà cũng khó lắm. Để có được sự nhẹ nhàng, uyển chuyển, ra được hồn và ý nghĩa của từng điệu Xòe là cả quá trình tập luyện, gắn bó bằng tất cả tình yêu thương, niềm đam mê và sự trân trọng.
"Xòe Thái không chỉ mang lại một không khí tươi vui, náo nhiệt cho ngày hội, mà ấn tượng nhất là Xòe mang lại sự gắn kết, xóa nhòa khoảng cách cho những du khách như chúng tôi...", chị Kiều Anh hào hứng nói.
Có thể nói, Xòe Thái luôn mang lại một không khí tươi vui, náo nhiệt trong những ngày hội, ngày Xuân. Niềm vui không chỉ trên gương mặt của mỗi du khách, mà còn hiện diện trên cả khuôn mặt của những người con dân tộc Thái có mặt tại đây.
Họ vui vì đã mang đến không khí tươi vui, náo nhiệt, vì lan tỏa được nghệ thuật Xòe, mang lại sự gắn kết cho những du khách. Nhưng hơn tất cả, họ vui và tự hào vì nghệ thuật Xòe Thái đang được các thế hệ đón nhận bằng tất cả sự trân trọng. “Nét đẹp văn hóa nghệ thuật của dân tộc mình được du khách đón nhận, chúng tôi vui và hãnh diện lắm!”, một nghệ nhân Đoàn Xòe Thái tỉnh Sơn La chia sẻ.
Chị Hoàng Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La chia sẻ: Nghệ thuật xòe Thái được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là niềm tự hào không chỉ của riêng cộng đồng người Thái, mà còn là niềm tự hào của Nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La. Chúng tôi sẽ tập trung hơn nữa việc giới thiệu, quảng bá nét đẹp và ý nghĩa của nghệ thuật Xòe Thái đến với cộng đồng.
Việc tổ chức những sự kiện văn hóa, là một trong những giải pháp tích cực cho việc bảo tồn, lan tỏa nghệ thuật Xòe Thái đến du khách trong và ngoài nước rất hiệu quả và thiết thực, chị Hoàng Hải Yến nhìn nhận.
Nhìn đoàn người nối dài cùng nắm tay đi thành vòng tròn lớn, từ các cháu nhỏ đến những người lớn tuổi, ai ai cũng hào hứng, ngượng nghịu bước theo từng bước chân, học theo từng cử chỉ , tạo thành vòng Xòe đoàn kết, là đủ để thấy sự lan tỏa và sức sống của nghệ thuật Xòe Thái.
Những con người dù chưa từng gặp mặt, chưa từng quen biết, lại hòa cùng điệu Xòe, khoảng cách giữa người với người dường như đã bị xóa nhòa. Những điệu Xòe đã khép lại, nhưng những cái nắm tay đoàn kết, những bước chân nhịp nhàng, ý nghĩa vẫn vấn vương trong tâm trí của mọi người.