Phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương
Theo thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay địa phương đã hình thành các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, các cây trồng có giá trị kinh tế cao được mở rộng diện tích, cơ giới hóa được áp dụng ở hầu hết các khâu trong sản xuất.
Đáng chú ý, ngành nông nghiệp tỉnh này đã triển khai hỗ trợ hơn 3.500ha sản xuất rau, củ, quả an toàn theo hướng VietGAP, hữu cơ để cung cấp ra thị trường các sản phẩm nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm.
Năm 2023, trên lĩnh vực trồng trọt, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng để sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị.
Vĩnh Phúc phấn đấu năm 2023, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt 84 nghìn ha (trong đó diện tích lúa đạt 51,7 nghìn ha, năng suất bình quân 59,85 tạ/ha, sản lượng đạt 309,4 ngàn tấn; diện tích ngô 9,4 nghìn ha, năng suất bình quân 50 tạ/ha, sản lượng đạt 47 ngàn tấn; diện tích cây rau, đậu các loại trên 11 nghìn ha…). Về tốc độ tăng giá trị sản xuất trồng trọt đạt trên 6,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 12 mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm rau, củ, quả gồm: HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Kinh doanh nông sản An Hòa, HTX Rau an toàn Vĩnh Phúc, HTX Rau an toàn Vân Hội Xanh, HTX Rau an toàn ViSa, HTX Sản xuất rau an toàn Thanh Hà, HTX Rau an toàn 3 cây, HTX Nông nghiệp Đại Lải, HTX Rau an toàn Đại Lợi, Công ty TNHH Đầu tư sản xuất phát triển nông nghiệp WinEco Tam Đảo, Công ty Cổ phần nông lâm nghiệp Vĩnh Hưng, Công ty TNHH Sản xuất và phân phối nông sản sạch OFP, Công ty TNHH Tâm Đức.
Các mô hình liên kết này bước đầu đã tạo được sự liên kết giữa các thành viên để sản xuất rau quả cung cấp ra thị trường, cung ứng cho các trường học, khu công nghiệp, siêu thị và một số cửa hàng kinh doanh nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh, thành phố Hà Nội và các tỉnh phía Bắc...
Tổng diện tích có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm đạt trên 124ha, với sản lượng khoảng 8.670 tấn/năm. Các tổ chức, cá nhân đã cung cấp cho thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh các loại rau quả an toàn, truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ.
Đối với cây dược liệu, tỉnh đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm như: Trà hoa vàng, Ba kích, cà gai leo, sâm…Các doanh nghiệp về dược liệu tiêu biểu trên địa bàn phải kể đến như: Công ty Cổ phần Dược liệu tỉnh Vĩnh Phúc, Viện Dược liệu, Công ty Cổ phần Á Đông Việt, Công ty TNHH MTV Minh Phúc An, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại dịch vụ Tam Đảo.
Nhằm thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện Chương trình khuyến khích xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương theo Chương trình OCOP. Năm 2023 có 12 sản phẩm đã đăng ký và được thẩm định. Hiện nay, Sở NN-PTNT đang triển khai, hướng dẫn các hộ, nhóm hộ, hợp tác xã hoàn thiện quy trình, thủ tục xét, công nhận sản phẩm OCOP đối với vùng DTTS&MN. Kinh phí đã được bố trí năm 2023 là 2 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh.
Hướng tới nền nông nghiệp xanh và phát triển bền vững
Đặc biệt, mục tiêu giai đoạn 2022-2030 Vĩnh Phúc phấn đấu thu hút thêm vốn đầu tư từ khu vực FDI từ 2,0-2,25 tỷ USD, nâng tỷ lệ vốn đầu tư của các quốc gia, vùng lãnh thổ vào tỉnh như: Nhật Bản, Hàn Quốc, singapore, Trung Quốc, Hoa Kỳ....Với trọng tâm thu hút vào các lĩnh vực trong đó có nông nghiệp công nghệ cao, các dự án sản xuất rau quả sạch và chăn nuôi gia súc, gia cầm công nghệ cao, các dự án chế biến sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Đây chính là định hướng phát triển bền vững của Vĩnh Phúc thời gian tới.
Hiện thực hoá mục tiêu thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, Vĩnh Phúc đã tâp trung triển khai xúc tiến tại nhiều thị trường trên thế giới. Đầu tháng 3/2023, tại xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, Tổng công ty chăn nuôi Việt Nam (Vilico) thuộc Công ty cổ phần sữa Việt Nam và Tập đoàn đa ngành Sojitz, Nhật Bản tổ chức khởi công Tổ hợp chăn nuôi và chế biến thịt bò Vinabeef Tam Đảo với mức đầu tư 3.000 tỷ. Tổ hợp Vinabeef Tam Đảo là dự án được triển khai đầu tiên theo biên bản ghi nhớ có tổng giá trị 500 triệu USD được kí kết giữa Vinamilk cùng Tập đoàn Sojitz và tỉnh Vĩnh Phúc vào cuối năm 2021. Dự án được khởi công cho thấy nỗ lực và quyết tâm của các doanh nghiệp và tỉnh Vĩnh Phúc trong việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất - chế biến thực phẩm.
Tổ hợp Vinabeef Tam Đảo được triển khai trên tổng diện tích gần 76ha, gồm 2 phân khu chính: Trang trại chăn nuôi bò thịt có sức chứa 10.000 con và Nhà máy chế biến thịt bò mát với công suất 30.000 con/năm (10.000 tấn sản phẩm/năm). Dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2024. Đáng chú ý, Vinabeef Tam Đảo là dự án được quy hoạch xây dựng và vận hành theo quy trình 4-trong-1 khép kín: Chăn nuôi - Sản xuất - Chế biến - Phân phối. Qua đó sẽ cung cấp các sản phẩm nổi bật là thịt bò mát đảm bảo tươi, ngon, bổ dưỡng và an toàn cho sức khỏe đến người tiêu dùng Việt Nam.
Với các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đến năm 2030 phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, giảm phát thải khí nhà kính; tốc độ tăng trưởng giá trị nông nghiệp đạt trung bình 2,5%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động đạt 5,5 - 6%/năm. Tầm nhìn đến năm 2045, Vĩnh Phúc trở thành một trong những tỉnh có nền nông nghiệp phát triển bền vững, nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, có ngành công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại.