Xuất khẩu nông sản còn nhiều lỗ hổng
Hiện nay, nông sản Việt đã có mặt tại hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ , bao gồm các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản..., với kim ngạch tăng trưởng dương theo từng năm.Theo thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 16,9 tỷ USD, trong đó rau quả đạt 3,55 tỷ USD, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước. Dự đoán năm 2023, mặt hàng rau quả của Việt Nam có thể vượt 5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.
Điều này cho thấy, nông sản đang là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, không ít lô hàng nông sản xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam bị cảnh báo và trả về do vi phạm các quy định của nước nhập khẩu.
Mới đây nhất, một lô hàng là các sản phẩm nông nghiệp của một doanh nghiệp ở quận Tân Bình, TP.HCM xuất khẩu sang Iceland đã bị quốc gia này phát đi cảnh báo trên Hệ thống thông báo của Liên minh châu Âu (EU) về hàm lượng cao Carbaryl (thuốc trừ sâu) có trong quả bòn bon của Việt Nam.
Theo thông báo của Ireland, hàm lượng tối đa cho phép của Carbaryl là 0,01mg/kg – ppm, nhưng hàm lượng carbaryl được phát hiện trên bòn bon của Việt Nam xuất khẩu sang nước này lên tới 15,4 +/-50% mg/kg – ppm, có khả năng gây hại cho con người.
Trước đó, vào tháng 7/2023, Trung Quốc cũng phát cảnh báo vi phạm yêu cầu kiểm dịch thực vật với chuối, mít, thanh long, sầu riêng…. từ Việt Nam. Hay vào tháng 4/2023, một lô hàng ớt Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc, cũng bị thu hồi do có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật gấp 10 lần tiêu chuẩn…
Theo ông Lương Văn Tài, tùy viên Thương mại, Bộ phận Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, hiện Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia, vùng lãnh thổ có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất tại thị trường Trung Quốc. Trong đó, vấn đề chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm (sử dụng phụ gia thực phẩm vượt ngưỡng cho phép, nấm mốc, vi khuẩn gây bệnh) là một trong các lỗi bị cảnh báo.
Với EU, số liệu thống kê cũng cho thấy, chỉ trong nửa đầu năm 2023, nước ta có 31 lô hàng nông sản thực phẩm bị cảnh báo, trong đó có tới 60% liên quan đến vi phạm vượt ngưỡng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Những con số này cho thấy, dù rằng cơ hội cho nông sản Việt Nam đang rất nhiều, nhưng thực tế, vẫn còn không ít mối lo về tính an toàn thực phẩm của chuỗi cung ứng xuất khẩu nông sản Việt. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ tới thương hiệu của cả ngành hàng nông sản trong nước tại các thị trường nhập khẩu.
Đừng để "con sâu làm rầu nồi canh"
Để đưa nông sản Việt Nam, đòi hỏi cấp thiết đặt ra là phải hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm để nâng cao chất lượng hàng nông sản, qua đó, tăng giá trị và khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, khi người dân, doanh nghiệp mang sản phẩm nông sản Việt Nam đi ra nước ngoài, cần phải tìm hiểu rõ quy định của nước đó về kiểm soát an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, bởi mỗi thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đều có những quy định khác nhau về đối tượng kiểm dịch, mức dư lượng, trình tự thủ tục….
Chẳng hạn, xuất khẩu nông sản sang thị trường EU, cần nắm bắt được các quy định về mức dư lượng các chỉ tiêu, để việc tổ chức sản xuất từ vùng nguyên liệu đến quá trình sơ chế, chế biến đáp ứng được đúng những quy định đó.
Hay xuất sang Trung Quốc cũng phải tuân thủ theo các quy định của Nghị định thư về vấn đề an toàn thực phẩm, cũng như về kiểm định hoặc đáp ứng các quy định 248, 249 về biện pháp quản lý an toàn thực phẩm của thị trường này…;Bởi, chỉ cần 1 sai sót, cẩu thả trong khâu kiểm định dù chỉ 1 lô hàng, cũng sẽ như “con sâu làm rầu nồi canh”, gây ảnh hưởng lớn đến cả uy tín, cũng như vị thế của ngành hàng nông sản Việt.
Nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản, đảm bảo an toàn thực phẩm, trong nửa cuối năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ duy trì thực hiện việc kiểm tra, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và kiểm tra chứng nhận nông sản xuất khẩu theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Đồng thời, chủ động tổ chức thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và đột xuất; xử lý kịp thời, nghiêm khắc các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm. Theo dõi sát và kịp thời xử lý các sự cố mất an toàn thực phẩm; hướng dẫn xử lý và triển khai các biện khắc phục đối với các lô hàng xuất khẩu vi phạm an toàn thực phẩm...
Cùng với đó, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, tạo môi trường thuận lợi và động lực cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn, bền vững.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị, Bộ Công an, Bộ Công Thương, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong thanh tra, điều tra xử lý các vi phạm an toàn thực phẩm nghiêm trọng, như sử dụng chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, kháng sinh, chất bảo quản ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản.
Điều quan trọng hơn cả, đừng để lợi ích trước mắt mà đánh mất lợi thế, giá trị các mặt hàng nông sản Việt Nam trong mắt bạn bè thế giới; mỗi doanh nghiệp và người sản xuất cũng cần có ý thức nâng cao chất lượng sản phẩm, có như vậy nông sản của nước ta mới tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu, củng cố, nâng cao vị thế và khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên trường quốc tế.