Tham dự có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện UNESCO tại Việt Nam, lãnh đạo của các tỉnh, thành phố: Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Gia Lai, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Bài chòi là một loại hình nghệ thuật dân gian ở 9 tỉnh miền Trung từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, đã bám rễ ăn sâu vào tâm hồn, không gian sống của người dân các địa phương nơi đây, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và góp phần tạo nên cốt cách của con người Trung bộ: thẳng thắn, chân thành, giản dị, mạnh mẽ, lạc quan, mến khách. Các câu chuyện trong Bài chòi thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng và những Bài học đạo đức, kinh nghiệm trong cuộc sống của người dân.
Trải qua thăng trầm lịch sử, Bài chòi Trung bộ vẫn không ngừng phát triển đa dạng và phong phú. Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cứu nước, Bài chòi là nghệ thuật chủ lực phục vụ cho đồng bào và bộ đội ở Liên khu V. Năm 1954, Bài chòi Trung bộ theo các nghệ nhân bài chòi tập kết ra Bắc, được Bộ Văn hóa tập hợp thành lập Đoàn Ca kịch Bài chòi, từ đó Bài chòi phát triển thành nghệ thuật chuyên nghiệp, trở thành một bộ môn trong đại gia đình sân khấu dân tộc Việt Nam. Sau ngày thống nhất đất nước, các nghệ sĩ Bài chòi Liên khu V trở về quê hương, trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng nên các Đoàn Ca kịch Bài chòi phục vụ công cuộc xây dựng quê hương, đất nước.
Hoạt động sưu tầm, tư liệu hóa, kiểm kê Bài chòi được 9 tỉnh, thành phố của miền Trung sở hữu di sản này và Viện Âm nhạc, Viện Văn hóa-Nghệ thuật quốc gia phối hợp cùng cộng đồng thực hiện từ năm 1998 đến năm 2015. Năm 2013, nghệ thuật Bài chòi của các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Quảng Nam và Phú Yên được công nhận là DSVHPVT quốc gia. Vào ngày 7/12/2017 tại Jeju, Hàn Quốc, kỳ họp thứ 12 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước UNESCO 2003 đã thông qua hồ sơ và chính thức đưa nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, Việt Nam vào danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại.
Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam chúc mừng Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là 9 tỉnh miền Trung cũng như toàn thể cộng đồng nhân dân địa phương, các nghệ sĩ và những người đã đóng góp vào thành tích nghệ thuật văn hóa Bài chòi được ghi danh vào danh sách các di sản đại diện của nhân loại. Đây là sự ghi nhận rất xứng đáng. UNESCO đánh giá cao sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong công tác bảo tồn và phát triển nghệ thuật Bài chòi với những hướng dẫn cụ thể, trong đó có việc mở rộng không gian biểu diễn, trao đổi và chia sẻ những tham luận, nghiên cứu, tư liệu hóa và xuất bản về Bài chòi, cũng như các sáng kiến khác.
Phát biểu tại buổi Lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam có 12 di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận, đứng thứ 8/177 quốc gia thành viên của Công ước bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể. Điều này có ý nghĩa rất lớn góp phần vun đắp tinh thần dân tộc, gìn giữ hồn cốt xưa, trao truyền tri thức và bồi đắp tương lai. Đi cùng với niềm tự hào là trách nhiệm của chúng ta đối với bảo tồn, phát huy Bài chòi trước quốc tế, vì từ nay di sản này không chỉ của riêng Việt Nam mà đã thành tài sản chung của nhân loại. Với tình cảm và trách nhiệm đối với di sản cha ông để lại, cần hợp tác chặt chẽ, triển khai thật nghiêm túc và hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, Việt Nam, để nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, Việt Nam phải được bảo vệ và phát huy bền vững. Thúc đẩy sự quan tâm bảo vệ Di sản và sự kết nối, trao đổi văn hóa giữa các nhóm cộng đồng khác ở Việt Nam cũng như giữa các quốc gia, dân tộc có di sản tương đồng với nghệ thuật Bài chòi.
Tại Lễ đón, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã nhận Bằng của UNESCO do ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam trao và trao lại cho đại diện lãnh đạo, nghệ nhân của 9 tỉnh Trung bộ sở hữu di sản Bài chòi. Nhân dịp này, ông Nguyễn Ngọc Thiện đã công bố Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, Việt Nam (giai đoạn 2018-2023) gồm 5 nội dung. Mục đích Chương trình nhằm công bố, kêu gọi các bộ, ban, ngành, UBND các cấp, các cơ quan hữu quan, cộng đồng các địa phương là chủ thể của di sản nghệ thuật Bài chòi Trung bộ, Việt Nam và nhân dân cả nước cùng thực hiện Chương trình, để bảo vệ bền vững và phát huy hiệu quả di sản quý giá trên.
LÊ PHƯƠNG