“Bắt cóc bỏ đĩa”
Như chúng tôi đã phản ánh ở số báo trước, thời gian qua, trên các kênh A Hy TV, Bảo Bảo TV đã sử dụng sai lệch hình ảnh người DTTS để sản xuất nhiều tiểu phẩm hài, gây cười cho khán giả. Trước sự việc này, Ủy ban Dân tộc đã có công văn gửi Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm vấn đề này. Theo đó, cả hai kênh A Hy TV và Bảo Bảo TV đăng tải đoạn Video xin lỗi đối với công chúng và đồng bào DTTS. Hiện, hai kênh Bảo Bảo TV và A Hy TV cũng đã bị gỡ kênh.
Tuy nhiên, một số tiểu phẩm phản cảm của kênh A Hy TV đã đăng tải trước đó lại tiếp tục được đăng lại dưới tên tài khoản Trần Anh Tuấn, thu hút hơn 25 nghìn lượt người xem. Ví dụ như tiểu phẩm “Anh tộc đi xin việc gặp chị tắm tiên”; “Anh thô lỗ gặp chị vô duyên”,..
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, với ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết: Sau khi nhận được công văn của Ủy ban Dân tộc, Lãnh đạo Cục đã yêu cầu hai kênh A Hy TV, Bảo Bảo TV gỡ bỏ các tiểu phẩm phản cảm đó, đồng thời tiếp tục cho các cán bộ của Cục rà soát, nếu có sai phạm sẽ tiếp tục xử lý.
Rõ ràng việc sử dụng sai lệch hình ảnh người DTTS trên các kênh truyền thông thời gian qua đã rõ, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc để xử lý. Tuy nhiên, mức xử lý vi phạm quá nhẹ, chưa đủ sức răn đe, ngặn chặn đối với các kênh giải trí. Nếu chỉ dừng lại ở việc yêu cầu gỡ kênh, không cho đăng tải, các đối tượng sẽ lách luật bằng cách lập một tài khoản khác để đăng tải những nội dung phản cảm, sai lệch nhằm mục đích thu lợi bất chính. Điều này đã xảy ra, khi các kênh truyền thông khác tiếp tục đăng tải lại những đoạn Video lên Youtube, tạo nên sự phản cảm, gây bức xúc trong dư luận.
Trung tá Đào Trung Hiếu, chuyên gia tội phạm học Bộ Công an cho biết: Việc lấy đồng bào DTTS ra làm trò gây cười, thể hiện sự nghèo nàn về văn hoá và đạo đức. Hành vi sản xuất, phát tán trên mạng đoạn Clip của một số nghệ sĩ có nội dung phản cảm, kỳ thị dân tộc không còn là vấn đề văn hoá, mà cần phải xử lý nghiêm. Nếu không xử lý cương quyết, triệt để, sự việc có thể phát triển trở thành nguồn cơn làm phát sinh những việc không mong muốn về an ninh, trật tự.
Cần sự phối hợp trong xử lý sai phạm
Tại buổi công bố các hành vi sai phạm trên nền tảng Youtube, Google do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào ngày 7/6/2019 cho thấy, hiện nay trên Youtube có khoảng 55.000 Video clip có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật nhưng mới gỡ bỏ được 8.000 Video. Mỗi phút trên Youtube có khoảng 400 giờ Video mới được đăng tải. Lượng người xem càng nhiều, đồng nghĩa với việc lợi nhuận thu được quảng cáo càng lớn. Vì lợi nhuận, không ít người sẵn sàng sản xuất, đăng tải những nội dung phản cảm, dung tục, sai trái...
Điều đáng lo ngại đó là việc đăng tải các nội dung thông tin trên Youtube hiện nay vô cùng thoải mái, tự do, không có sự kiểm soát, quản lý của cơ quan chức năng nào. Ai cũng có thể là chủ nhân của một kênh trên Youtube chỉ bằng vài bước Click chuột rồi tha hồ “tung hoành”. Đáng chú ý, đa số khán giả của các kênh nội dung này đều là giới trẻ với lượng theo dõi và tương tác rất lớn.
Ông Lưu Đình Phúc, Cục trưởng, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết: Rất khó để xử phạt các trường hợp vi phạm vì Yuotube là kênh thông tin có nền tảng xuyên biên giới, Cục không thể quản lý, điều tra được thông tin của chủ kênh vi phạm. Trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan để bàn giải pháp phối hợp giải quyết.
Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần liên kết chặt chẽ để xử lý nghiêm vấn đề này, việc quản lý lỏng lẻo về nội dung thông tin cộng với việc xử lý vi phạm chưa đủ mạnh sẽ khiến tình trạng này có nguy cơ trở thành vấn nạn, ảnh hưởng lớn đến giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam nói chung và đồng bào DTTS nói riêng.
Tại khoản b, Điểm 1, Điều 101 Nghị định số 15/2020/NĐ-CP về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử” đã nêu, mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi “Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội” để cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc...