“Vũng lõm” suy dinh dưỡng
Từ nguồn lực của các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, đời sống của người dân ngày càng được nâng lên một cách rõ nét. Từ đó, đem lại những kết quả khả quan trong công tác xóa đói, giảm nghèo ở khu vực này.
Theo Báo cáo số 732/BC-UBDT ngày 10/6/2020 về “Tổng kết Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020” của Ủy ban Dân tộc, tính đến cuối năm 2020, thu nhập của người dân ở vùng DTTS và miền núi đã tăng 5 lần so với năm 2011. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giai đoạn 2011 - 2020 ở khu vực này giảm 4,3%/năm.
Đáng chú ý là, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã cơ bản đã “cắt” được nạn đói, vốn là nỗi ám ảnh tồn tại bao năm qua; từ đó góp phần thực hiện mục tiêu vì một Việt Nam không còn nạn đói.
Đặc biệt, trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh hoành hành, tình trạng thiếu đói cũng không phát sinh. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 4/2021, cả nước ghi nhận liên tiếp 10 tháng không phát sinh thiếu đói trên phạm vi cả nước.
Những kết quả trong xóa đói giảm nghèo của nước ta, nhất là đối với vùng DTTS và miền núi, là rất đáng khích lệ. Nhưng trong xu thế hiện nay, liên quan đến vấn đề an ninh lương thực thì nhu cầu của con người đã và đang dịch chuyển từ ăn no sang ăn ngon - ăn sạch - ăn dinh dưỡng.
Nước ta cũng đang vận động theo sự dịch chuyển này, mặc dù hiện đang đối diện với rất nhiều thách thức, nhất là tình trạng suy dinh dưỡng (SDD) ở trẻ em. Theo Báo cáo năm 2020 của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là 1/34 quốc gia trên toàn cầu phải đối mặt với gánh nặng SDD trẻ em.
Đáng chú ý là tình trạng SDD thấp còi ở trẻ em; hiện tỷ lệ SDD thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam vẫn trên 22%, chủ yếu tập trung ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tỷ lệ này ở miền núi phía Bắc là 27,1% và Tây Nguyên là 29,8%.
Bên cạnh đó, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi SDD ở nhóm DTTS rất ít người còn ở mức cao. Trong đó dân tộc Chứt là 40%, Si La: 21,7%; Bố Y: 35%; La Ha: 20%, Brâu, Rơ Măm: 29,87%; Ơ đu: 12%; Lô Lô: 16,91%.
Cần sự can thiệp từ chính sách
SDD thấp còi và thiếu vi chất dinh dưỡng, là những nguyên nhân chính cản trở sự phát triển toàn diện thể lực, tầm vóc, trí tuệ của trẻ em và năng suất lao động của người lớn. Theo các nhà khoa học, có tới 80% trẻ em bị còi cọc, SDD là do thiếu vi chất dinh dưỡng trong 2 năm đầu đời. Những đứa trẻ đó rất hạn chế về tinh thần và trí tuệ trong các giai đoạn phát triển sau này.
Vì thế, ngày 12/6/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025. Chương trình đề ra những mục tiêu rất cụ thể, để giải quyết căn bản vấn đề mang tầm chiến lược là nạn đói về dinh dưỡng, bên cạnh nạn đói lương thực mà nhiều quốc gia đang phải đối mặt.
Chương trình đặt ra những chỉ tiêu rất quan trọng như: người dân có đủ lương thực, thực phẩm; hệ thống lương thực, thực phẩm phát triển bền vững; tăng năng suất và thu nhập của hộ nông dân và giảm thiểu tổn thất, lãng phí lương thực, thực phẩm. Đến nay, cơ bản các chỉ tiêu đã đạt; nhưng việc thực hiện chỉ tiêu giảm tình trạng SDD thấp còi ở trẻ em vẫn đối diện nhiều thách thức.
Được biết, thực hiện Chương trình hành động quốc gia “Không còn nạn đói” ở Việt Nam đến năm 2025, từ 19 mô hình “Không còn nạn đói” triển khai hiệu quả ở các địa bàn khó khăn trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ hướng dẫn các địa phương bố trí ngân sách để nhân rộng trong thời gian tới. Trong đó sẽ tập trung đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và hướng dẫn nông dân sử dụng, chế biến sản phẩm tại chỗ để cung cấp thực phẩm dinh dưỡng cho người dân.
Tuy nhiên, để chương trình sớm về đích, trước hết phải thay đổi tư duy, nhận thức của người dân. Khi nói đến không còn nạn đói, người ta nghĩ ngay đến chuyện đói lương thực, mà không biết rất nhiều người bị đói dinh dưỡng. Hiểu biết về vấn đề dinh dưỡng của nông dân còn hạn chế nên ngoài trồng lúa, nhiều người không biết tận dụng đất sản xuất trồng thêm hoa màu, trái cây... để cải thiện vi chất dinh dưỡng.
Mặt khác, Chương trình “Không còn nạn đói” không có kinh phí độc lập nên nhiều địa phương chưa chú trọng bố trí nguồn lực và con người để tổ chức thực hiện. Do đó, một trong những giải pháp cần được chú trọng thực hiện, là lồng ghép các nhiệm vụ của chương trình này với các chương trình “Giảm nghèo bền vững”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi”... Có như vậy, mới giải quyết căn cơ những bất cập còn tồn tại trước đây, cải thiện hiệu quả tỷ lệ SDD của trẻ em ở Việt Nam, đặc biệt là vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 đã xây dựng Dự án số 7 - “Chăm sóc sức khỏe Nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người DTTS; phòng chống suy dinh duỡng trẻ em”. Trong đó chú trọng vào chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em vùng đồng bào DTTS, đặc biệt là người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo.