Chưa phát huy hiệu quả của bể bơi
Nhằm phòng chống tai nạn đuối nước, hạn chế tối đa thương vong ở trẻ vì đuối nước, rất nhiều địa phương đã đầu tư xây dựng bể bơi, nhưng trên thực tế trẻ tiếp cận kỹ thuật bơi là rất ít.
Như ở huyện Ia Grai (Gia Lai) có đến 8 bể bơi, trong đó có 2 bể bơi tư nhân và 6 bể bơi được xây dựng trong trường học. Tuy nhiên, việc tổ chức dạy và học bơi trên địa bàn huyện còn gặp khó khăn vì người dân địa phương không mấy mặn mà.
Theo thống kê của Phòng Lao động, Thương Binh và Xã hội huyện Ia Grai tính từ đầu năm đến nay, toàn huyện xảy ra 6 vụ tai nạn đuối nước làm 6 người chết. Phần lớn các vụ đuối nước nằm ở trẻ có độ tuổi từ 0-13 tuổi.
Ông Phạm Văn Đại, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Ia Grai cho biết: Hiện nay toàn huyện có 6 trường có bể bơi phục vụ cho việc học bơi của các em học sinh. Trong đó có 2 hồ được đầu tư kiên cố, còn lại là 4 bể bơi di động.
Hiện 2 bể bơi đặt ở 2 trường cấp 2 để dạy cho học sinh từ lớp 6-9. Còn các bể bơi còn lại ở 4 trường tiểu học phục vụ cho việc dạy và học của các em lớp 3-5. Cứ mỗi tuần một lần các lớp sẽ được học bơi 1 buổi miễn phí.
Ngoài ra, để duy trì hoạt động của bể bơi, huyện Ia Grai cũng hỗ trợ cho các trường có bể bơi 20 triệu/năm để có kinh phí dạy. Tuy nhiên, các bể bơi chủ yếu phục vụ học sinh trong trường chứ chưa thể mở rộng đào tạo cho trẻ em trên địa bàn được. Khuyến khích trẻ học bơi, Phòng GD&ĐT huyện còn phối hợp với Trung tâm Văn hóa- Thông tin cũng tổ chức 2 giải thi bơi trang bị cho các em học sinh những kiến thức, kỹ năng bơi lôi, góp phần hạn chế tai nạn đuối nước.
Tương tự, để hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ em, năm 2017, tỉnh Đăk Nông đã ban hành Quyết định số 1604/QĐ-UBND, ngày 12/10/2017 về kế hoạch xây dựng bể bơi trong các trường tiểu học công lập giai đoạn 2017 -2020, định hướng đến năm 2025. Mục tiêu tổng quát là, xây dựng bể bơi cho các trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, các trường tiểu học hạng II trở lên.
Thực hiện Đề án này, giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Đăk Nông bố trí 10 tỷ đồng để xây dựng 20 bể bơi; trong đó 4 bể bơi cố định và 16 bể bơi di động, phục vụ khoảng 40% học sinh toàn tỉnh sau khi hoàn thành chương trình tiểu học biết bơi.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông, đến nay đã xây dựng 19 bể/20 bể bơi tại 8 huyện, thành phố. Trong đó có 4 bể bơi cố định và 15 bể bơi di động. Tuy nhiên, điều đáng nói là, hầu hết các bể bơi đều hoàn thành chậm tiến độ, một số bể bơi đã hoàn thành nhưng do đầu tư thiếu đồng bộ và chưa chuẩn bị đủ các điều kiện khiến bể bơi chưa phát huy hiệu quả.
Huyện Krông Nô được đầu tư 3 bể bơi, trong đó 2 bể bơi di động tại trường tiểu học Phan Chu Trinh và trường tiểu học Lê Lợi, 1 bể bơi cố định tại trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm. Cả 3 bể bơi đều đã hoàn thiện bàn giao, nhưng chỉ có bể bơi cố định tại trường tiểu học Lê Thị Hồng Gấm đưa vào sử dụng. Hai trường còn lại đã bàn giao xong nhưng chưa tổ chức cho học sinh học bơi...
Phổ cập bơi cho trẻ em là điều rất khó
Việc mở các lớp phổ cập bơi được đánh giá là mang lại ý nghĩa thiết thực và cấp thiết nhất để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng đuối nước trẻ em. Tuy nhiên, thời gian qua việc tổ chức mở rộng các lớp dạy bơi, phổ cập bơi cho trẻ em vẫn rất ì ạch, chỉ một số địa phương thực hiện được.
Trong khi việc phổ cập bơi trên địa bàn còn nhiều khó khăn, để hạn chế thấp nhất tai nạn đuối nước xảy ra cho trẻ em, rất cần sự cảnh giác cao độ, sự theo dõi sát sao của các bậc phụ huynh, đặc biệt là trong những ngày hè.
Bà Rcom Sa DuyênGiám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Gia Lai
Huyện Krông Bông là địa phương có số vụ tai nạn đuối nước và số trẻ em tử vong do đuối nước hàng năm cao nhất nhì tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, toàn huyện chỉ có một hồ bơi tư nhân tại thị trấn Krông Kmar nên rất khó khăn trong việc dạy kỹ năng bơi lội cho trẻ em, nhất là trẻ em vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS.
Theo thống kê của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) huyện Krông Bông, từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 8 vụ đuối nước ở trẻ em (tăng 6 vụ so với cùng kỳ năm 2020). Các vụ đuối nước đều rơi vào vùng đồng bào DTTS, hộ nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa. Hầu hết là do trẻ đi theo bố mẹ làm ruộng nương, không có người trông coi, đi tắm sông, suối...
Còn tại Đắk Lắk, được biết, Sở LĐTB&XH tỉnh đã và đang triển khai Dự án hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng chống đuối nước ở trẻ em, trong đó có việc tổ chức các khóa học bơi cho trẻ. Tuy nhiên, dự án mới chỉ thực hiện được ở 8 xã tại huyện Ea Kar nên số trẻ em được tiếp cận vẫn còn ít. Ngoài ra, các địa phương, ban, ngành đoàn thể các cấp cũng kêu gọi xã hội hóa để tổ chức một số lớp học bơi đơn lẻ cho trẻ em.
Tương tự, Gia Lai cũng là tỉnh có nhiều sông, suối, ao hồ nên mỗi khi hè đến tình trạng đuối nước cũng thường xuyên xảy ra. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn đuối nước trên địa bàn tỉnh thời gian qua là, do một phần nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về những nguy cơ gây đuối nước trẻ em còn hạn chế; một bộ phận cha mẹ, người chăm sóc trẻ thiếu sự quan tâm, nhắc nhở, giám sát với con em mình...