Thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) cho thấy, mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em, chiếm 48,8% do tai nạn thương tích. Đây là những con số rất xót xa, bởi khi tai nạn xảy ra không chỉ là thiệt thòi với đứa trẻ, mà còn gây tổn thương đến hạnh phúc của rất nhiều gia đình. Bộ này cũng cho biết, chỉ khoảng 30% học sinh tiểu học và THCS ở Việt Nam biết bơi. Việc dạy bơi cho trẻ gặp nhiều khó khăn do thiếu giáo viên dạy bơi và thiếu bể bơi, đặc biệt là các xã nghèo, vùng khó khăn.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, nhưng đa số do nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về nguy cơ gây đuối nước ở trẻ nhỏ còn chưa đúng mức, từ đó mà trẻ thiếu sự giám sát, trông giữ của gia đình và người chăm sóc. Công tác quản lý của gia đình, nhà trường đối với con em, học sinh trong và ngoài trường học cũng còn hạn chế, việc dạy bơi trong trường học cũng chưa thực sự được chú trọng…
Vì vậy, trẻ em chưa biết bơi, chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức và kỹ năng để phòng, tránh đuối nước. Ngoài ra, trẻ cũng chưa nhận biết được những nơi, khu vực nguy hiểm, chưa có kỹ năng thoát hiểm khi gặp nạn. Cơ quan quản lý nhà nước chưa làm hết trách nhiệm trong công tác quản lý. Môi trường sống xung quanh trẻ thiếu an toàn, trong khi đó chính quyền các cấp, người dân nhiều địa phương còn chủ quan, thiếu trách nhiệm trong việc tuyên truyền, cảnh báo quản lý những khu vực nguy hiểm. Ngoài ra, nguyên nhân khách quan là thời tiết, khí hậu ở nước ta cũng diễn biến bất thường.
Vậy nên, bên cạnh việc dạy kỹ năng bơi cho trẻ, vấn đề cốt lõi cũng cần dạy các em kỹ năng xử lý tình huống. Chưa có cơ quan chức năng nào đứng ra thống kê trong số những trẻ em đuối nước có bao nhiêu trẻ biết bơi, nhưng tỷ lệ chắc chắn sẽ không nhỏ.
Trên diễn đàn Quốc hội những năm gần đây, nhiều Đại biểu Quốc hội đã kiến nghị, cần đưa bơi lội trở thành môn học chính bắt buộc trong nhà trường, học sinh ra trường cần phải biết bơi. Tuy nhiên, dù nhìn nhận bơi không chỉ là môn thể thao rèn luyện sức khỏe, mà còn là kỹ năng sinh tồn, nhưng hiện nay cơ sở vật chất tại các trường còn rất thiếu thốn, đặc biệt là tại vùng sâu, vùng xa, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn.
Luật Trẻ em năm 2016 đã quy định trách nhiệm của Nhà nước bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 234 phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016 - 2020. Chương trình đã thể hiện sự liên kết của các ngành nhằm tăng cường nỗ lực chung để phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, phòng, chống đuối nước trẻ em, với mục tiêu giảm tử vong do đuối nước, dạy các kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em và tạo một môi trường an toàn cho trẻ em.
Tuy nhiên, để làm được điều này, cần sự chung tay tích cực của toàn xã hội, đặc biệt là của gia đình; những tổ chức gắn bó với trẻ em như: Đội, Đoàn Thanh niên, nhà trường… để xây dựng những mô hình dạy bơi và tăng cường tuyên truyền rộng rãi kiến thức phòng, chống đuối nước, đặc biệt áp dụng các hình thức truyền thông trên các kênh mạng xã hội, đặc biệt là trong tháng 6 - tháng hành động vì trẻ em.