Sơ suất nhỏ, đau thương lớn
Những ngày cuối tháng 4/2021, lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) cho biết, tại khu vực biển Bãi Dài vừa xảy ra vụ đuối nước thương tâm khiến 4 học sinh thiệt mạng. Do nóng nên một số học sinh lớp 8, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (phường Cam Phúc Bắc, TP. Cam Ranh) rủ nhau đến Bãi Dài để tắm cho mát. Trong khi các em đang tắm thì sóng bồn lên rồi rút mạnh ra, cuốn theo 4 em học sinh. 4 em học sinh xấu số tử vong được xác định là: Nguyễn Thanh S, Nguyễn Trường H, Trương Hùng Nhất D, và Lê Cao Thành L.
Theo nhiều người dân quanh Bãi Dài thì tại đây, một số điểm vẫn hay xuất hiện sóng lớn, sóng bồn lên hình xoáy ốc, nếu khả năng bơi lội không giỏi, thiếu áo phao, không cẩn trọng dễ bị chết đuối.
Còn tại huyện Phù Cát (Bình Định), em Lê Văn Minh vừa trải qua nhiều ngày nằm viện để phục hồi sức khỏe do đuối nước. Minh cho biết: Ở các vùng quê, học sinh ít được tập luyện bơi hay kỹ năng thoát khỏi các tình huống nguy hiểm mà chỉ tự dạy cho nhau bơi. Vừa qua Minh xuống sông tắm nên bị đuối nước, rất may được người dân phát hiện kịp thời nên Minh thoát chết.
Không may mắn như Minh, hơn một tháng trước, em H.T.H (13 tuổi, học sinh lớp 7 tại xã Cát Lâm, Phù Cát) đã tử vong khi tắm suối. Theo lãnh đạo UBND xã Cát Lâm, các nhóm học sinh nông thôn hay đi tắm suối, sông… tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm.
Chỉ trong thời gian ngắn, các bệnh viện ở Tây Nguyên cũng cấp cứu hàng trăm bệnh nhân bị ngạt nước, nhiều ca tử vong. Ông Đinh Văn Hải ở xã Chư Don (huyện Chư Pưh, Gia Lai) nhìn nhận: Phụ huynh thường chỉ quản lý con em mình lúc ở nhà thôi, còn khi đến trường hay đi học thêm thì khó quản. Ở nông thôn, hồ đập, sông suối rất nhiều nhưng rất ít chỗ cắm biển cảnh báo hay rào chắn nên các cháu học sinh theo nhau xuống tắm, rất nguy hiểm. Chính quyền địa phương nên tạo các biển báo và phối hợp cùng các nhà trường tuyên truyền cho học sinh hiểu về nguy cơ đuối nước khi đi tắm sông, suối, ao hồ...
Cần tập huấn các kỹ năng cho học sinh
Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk… đã yêu cầu các trường học xây dựng các bể bơi thông minh để huấn luyện khả năng bơi lội và xử lý tình huống cho học sinh. Tuy nhiên mới chỉ có một số trường học ở khu vực đô thị, còn nhiều trường ở nông thôn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, học sinh vẫn xa lạ với các kỹ năng ứng phó với sự cố trong lúc tắm sông, tắm suối hoặc trượt ngã xuống các ao hồ.
Nhiều bác sĩ cấp cứu khuyến cáo, với đuối nước, việc sơ cứu ban đầu tốt là chìa khóa quan trọng để giúp nạn nhân nhanh chóng phục hồi. Các phụ huynh hay người dân khi phát hiện người đuối nước cần nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nước; gọi người xung quanh và 115 trợ giúp; kiểm tra xem trẻ có thở và tỉnh không, nếu không thở hãy hô hấp nhân tạo; ép tim ngoài lồng ngực… Có thể thực hiện ép tim kết hợp thổi ngạt trong thời gian chờ xe cấp cứu đến.
Anh Nguyễn Thanh Hải, giáo viên dạy kỹ năng sống ở Khánh Hòa cho rằng, mùa hè là khoảng thời gian học sinh được nghỉ học ở trường và tham gia nhiều hoạt động ngoài trời nên dễ xảy ra đuối nước và các thương tích khác.
Thực tế cho thấy, ngay cả khi người lớn đi cùng trẻ nhưng để các con tự chơi, trong khi người lớn tụ tập nói chuyện, ăn uống vẫn có thể xảy ra nguy hiểm. Vì vậy, hãy trang bị áo phao khi cho các con đi tới khu vực có hồ, sông, suối hoặc đi tắm biển. Và bố mẹ hãy là người bạn đồng hành cùng con không chỉ trong học tập mà cả các cuộc khám phá, vui chơi.
Bên cạnh đó, nhà trường cùng các địa phương phối hợp trong công tác tuyên truyền, tạo sân chơi lành mạnh cho trẻ. Người dân khi thấy các điểm tắm nguy cơ mất an toàn thì cần cảnh báo, thông tin đến chính quyền và cộng đồng để đặt các biển cảnh báo kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất các vụ đuối nước xảy ra.