Akô Dhông là buôn điển hình về văn hóa của người Ê-đê. Tuy có nhiều nhà xây hiện đại mọc lên, nhưng bên cạnh mỗi ngôi nhà xây vẫn còn lưu lại những căn nhà sàn truyền thống.
Yên tĩnh, nhẹ nhàng, quán cà phê Arul tại buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi đang là điểm hẹn ấn tượng giữa thủ phủ cà phê, với những đặc trưng văn hóa truyền thống của dân tộc Ê-đê. Khát khao bảo tồn văn hóa của dân tộc, bà H’len Niê biến ngôi nhà của gia đình thành quán cà phê “độc” và lạ. Cà phê Arul nằm ở đầu buôn, còn giữ gìn nguyên bản không gian truyền thống của người Ê-đê. Trụ cổng gỗ điêu khắc theo kiến trúc tượng nhà mồ, hàng chục chiếc cối giã gạo bằng gỗ xếp trải dài từ cổng đến ngôi nhà dài.
Bên trong ngôi nhà dài cổ gần trăm tuổi trưng bày hàng trăm hiện vật văn hóa như chiêng, ché, ghế K’pan, trống H’gor, thuyền độc mộc, gùi, trang phục truyền thống, nhạc cụ dân tộc... được sắp xếp cẩn thận tái hiện không gian sinh hoạt của một gia đình Ê-đê gồm phòng khách, phòng ngủ, gian bếp.
Để có khối hiện vật phong phú, bà H’Len dày công đi khắp các buôn làng Tây Nguyên sưu tầm hiện vật. Đến nay, bà H’Len sở hữu khối di sản hàng trăm hiện vật. Không chỉ sưu tầm mà còn muốn giới thiệu văn hóa đến nhiều người nên bà H’Len quyết định mở quán cà phê. “Tôi bày các hiện vật ra đây là để những người yêu văn hóa Ê-đê thoải mái thăm quan, tìm hiểu”, bà H’len nói.
Chị Nguyễn Thanh Thủy, khách du lịch đến từ Hà Nội cho biết: “Tôi cùng gia đình vào đây chơi, được nhiều người giới thiệu về quán cà phê Arul, quả thật thực tế khác xa với những gì tôi nghĩ. Không ồn ào, náo nhiệt, không quá sang trọng, Arul ấn tượng theo cách riêng mang đậm văn hóa Ê-đê”.
Quán cà phê nhà sàn nằm ở buôn Alê A, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột của anh Kpin Niê H’đơk cũng đang là điểm đến hấp dẫn của nhiều người. Anh Kpin Niê H’đơk cho biết: Đây là ngôi nhà dài truyền thống của gia đình. Không gian cà phê ngày càng mở ra nhiều loại hình kinh doanh khác nhau để hợp với gu của người thưởng thức, trong đó cà phê nhà sàn đang mở rầm rộ. Nhiều người tìm đến nhà sàn như một nơi để đắm chìm trong giai điệu mộc mạc, ngắm nhìn khoảng thời gian tưởng chừng đã mất. Theo thời gian, nhà sàn dài ở các buôn làng dần bị thay thế bởi nhà xây kiểu hiện đại. Vì thế, bên cạnh kinh doanh anh mở quán cà phê với mong muốn giới thiệu cho mọi người về không gian sống truyền thống của đồng bào Ê-đê. Để tạo vẻ độc đáo cho không gian quán, anh Kpin tự trồng các loại cây địa lan và hồng leo.
Không chỉ ở thành phố, các vùng quê Đăk Lăk cũng xuất hiện những quán cà phê nhà dài độc đáo. Quán cà phê của gia đình bà H’Buốt Niê ở buôn M’Oa, xã Cư Huê, huyện Ea Kar luôn nhộn nhịp. Bà H’Buốt cho biết mới mở quán cà phê này hơn 1 năm, nhưng rất nhiều khách trong ngoài khu vực tìm đến thưởng thức. Tận dụng ngôi nhà sàn truyền thống, bà tu sửa lại cho hợp không gian cà phê, rồi tự tay chế biến nguyên liệu theo cách truyền thống của người Ê-đê nên giữ được hương vị độc đáo, được khách hàng rất ưa chuộng.
Ngoài cà phê, bà H’Buốt còn trưng bày những sản phẩm nông nghiệp do gia đình sản xuất như măng rừng, tiêu, trang phục thổ cẩm, rượu cần… để phục vụ khách hàng. Theo bà H’Buốt, kinh doanh cà phê nhàn hơn làm nương rẫy, mà quan trọng là quảng bá được nét văn hóa truyền thống của đồng bào Ê-đê đến khách hàng.
Không gian cà phê ngày càng mở ra nhiều loại hình kinh doanh khác nhau để hợp với gu của người thưởng thức, trong đó cà phê nhà sàn đang mở rầm rộ. Nhiều người tìm đến nhà sàn như một nơi để đắm chìm trong giai điệu mộc mạc, ngắm nhìn khoảng thời gian tưởng chừng đã mất...”
Anh Kpin Niê H’đơk