Lý giải về điều này ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP. Quy Nhơn cho biết, sự cố kè sông khu dân cư Bắc đường Đống Đa bị hư hỏng nặng là do bão số 5 gây ra. Bão đổ bộ, với những cơn sóng kèm theo gió to (cấp 9-10), giật mạnh (cấp 11-12) đã phủ lên hệ thống lan can, giằng taluy tuyến kè gây thiệt hại, hư hỏng gồm: Phần bê tông cốt thép gờ lan can; khung giằng ngang, giằng dọc bờ kè… với chiều dài 480m.
Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, sự cố này không chỉ xuất phát từ thiên tai mà còn có thể từ các sự yếu kém trong quá trình thi công. Quan sát tại hiện trường, chúng tôi thấy toàn bộ các tấm lát bê tông bị sạt lở trôi xuống đầm Thị Nại, nhiều đoạn kè lõm xuống, tạo thành hố sâu và kéo dài hàng trăm mét. Một số điểm mái kè nứt toác, có chỗ vỡ vụn, nhiều đoạn bê tông dài bị gãy khúc, bên trong không có sắt, đất thì bị sụt lún trôi ra đầm…
Theo những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng kè, việc thiết kế và thi công công trình này có nhiều bất cập. Đó là đoạn kè dài mấy trăm mét mà không thấy được trụ bê tông đứng nào, chỉ có một dầm ngang bên trong có 4 cây sắt phi 12 nằm trên mặt đất; móng kè không được xây bằng đá chẻ... Ngoài ra, người dân còn nghi vấn công trình bị “rút ruột”, vật liệu xây dựng không đảm bảo chất lượng.
Ông Đào Thượng, một người dân sống gần khu vực bờ kè chia sẻ: Xây dựng kè biển mà các thanh dầm không có sắt, nhiều mảng bê tông có độ kết dính không cao chỉ cần dùng tay bóc là bong ra từng mảng thì làm sao chịu được sóng biển?
Ông Nguyễn Thái Diễn, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng TP. Quy Nhơn phân trần: Ngay từ ban đầu thiết kế, đơn vị tư vấn chỉ tính toán, kè nằm trong khu vực đầm Thị Nại, kín gió nên sẽ không ảnh hưởng triều cường mạnh. Do đó, thiết kế chỉ làm khung giằng bên ngoài là bê tông cốt thép, còn phần lan can và chân của lan can chỉ làm bê tông không có sắt, thép để tiết kiệm chi phí!
Việc bờ kè này bị sóng đánh sập, khiến cho người dân và chính quyền địa phương lo lắng khi mưa bão vẫn đang diễn biến phức tạp. Trao đổi với chúng tôi, bà Mang Lệ Hà, Chủ tịch UBND phường Thị Nại cho biết: Khu vực trên là đoạn lấn biển, nền đất yếu dễ dẫn đến sự sụt lún. Đây có thể là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Trước đây, cứ vào mùa mưa bão, chúng tôi thường đi kiểm tra và vận động bà con nên chủ động chằng chống, gia cố khi sinh sống tại đoạn kè sông này. Bà con vui mừng khi Nhà nước xây dựng kè nhưng chưa bàn giao thì lại bị hư hỏng. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng khắc phục sự cố, để bảo đảm an toàn cho người dân.
Về phương án khắc phục sự cố, ông Ngô Hoàng Nam cho biết: Kè sông khu dân cư Bắc đường Đống Đa được UBND TP, Quy Nhơn thực hiện đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách thành phố, theo phân cấp công trình thuộc sự cố cấp III. Do đó, UBND TP đã có báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét phân cấp cho UBND TP chủ trì giải quyết sự cố kè sông chưa bàn giao đã bị hư hỏng nặng; đồng thời sẽ tổ chức giám định nguyên nhân sự cố kè hư theo quy định tại Nghị định số 46/2015/NĐ - CP ngày 12/5/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình.
Người dân đang mong UBND tỉnh Bình Định nhanh chóng làm rõ trách nhiệm của các đơn vị trong sự cố này, qua đó có các hình thức xử lý nghiêm minh, nhằm răn đe các hành vi tiêu cực nếu có.