Tâm huyết sưu tầm văn hóa dân tộc
Sinh ra và lớn lên ở vùng đất giàu trầm tích văn hóa dân gian của dân tộc Tày vùng Nghĩa Đô, nghệ nhân Ma Thanh Sợi am hiểu sâu sắc nguồn cội, lời ăn tiếng nói, phong tục, tập quán của dân tộc mình. Từ khi còn làm cán bộ xã, ông đã có niềm đam mê, yêu thích đặc biệt đối với văn hóa truyền thống dân tộc Tày. Có thời gian rảnh là ông lại lặn lội đến các bản người Tày trong và ngoài xã để gặp các nghệ nhân, thầy cúng xin ghi chép, sưu tầm tất cả những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Tày.
Các tư liệu văn hoá dân gian phần nhiều chỉ tồn tại trong trí nhớ người già, thầy cúng, nghệ nhân, trên họa tiết, hoa văn thổ cẩm, trong lễ hội, trò chơi, cưới hỏi, tang ma... Vì thế, để sưu tầm được tư liệu, nghệ nhân Ma Thanh Sợi đã có cách làm riêng của mình. Những thời điểm nông nhàn, ông đi bộ đến các bản người Tày trong và ngoài xã để gặp gỡ, trò chuyện trực tiếp với các bậc cao niên, những người am hiểu vốn văn hoá Tày. Vừa trò chuyện, ông tỉ mỉ ghi chép những lời kể của các cụ già. Sau đó, khi về nhà, ông chắt lọc, phân loại tư liệu sưu tầm được thành từng mảng riêng để dễ nhận diện.
Vào những dịp lễ hội, cưới hỏi, ma chay, nghệ nhân Ma Thanh Sợi cũng tận dụng mọi thời gian để sưu tầm thêm các phong tục tập quán, các nét văn hoá của đồng bào Tày.
Sau nhiều năm miệt mài, cần mẫn đi sưu tầm, ghi chép tư liệu, đến nay, nghệ nhân Ma Thanh Sợi có tới trên 2.000 trang viết tay về văn hóa dân gian của dân tộc Tày ở Nghĩa Đô. Kho tư liệu của ông bao gồm các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như kiến trúc nhà ở, trang phục truyền thống, phong tục, tập quán của đồng bào Tày Nghĩa Đô gắn với các lễ hội dân gian...; văn học dân gian (tục ngữ, câu đố, truyện cổ, hát yếu, hát khắp, hát then...); văn hóa ẩm thực (các món ăn truyền thống); những giai thoại trong đời sống văn hóa tâm linh, di tích lịch sử đền Nghĩa Đô, phế tích thành cổ Nghị Lang, di tích đồn Nghĩa Đô...
Những tư liệu này được Nghệ nhân Ma Thanh Sợi phân loại, biên soạn và gửi đến các nhà xuất bản để in thành những cuốn sách văn hóa dân gian có giá trị. Đến nay, NNƯT Ma Thanh Sợi đã xuất bản được 5 đầu sách nghiên cứu về văn hóa, phong tục, nghề dệt thổ cẩm của người Tày ở Nghĩa Đô; sưu tầm, biên soạn 50 chuyên đề chuyên sâu về văn hóa. Bên cạnh đó, ông cũng tham gia viết bài giới thiệu văn hoá dân gian Tày Nghĩa Đô gửi đăng ở các Báo, Tạp chí Văn nghệ Lào Cai, coi đây là hình thức giới thiệu, quảng bá, lưu giữ bản sắc văn hoá dân gian Nghĩa Đô.
Mấy năm nay, nghệ nhân Ma Thanh Sợi đã sắm được chiếc máy tính để lưu giữ tư liệu sau khi sưu tầm, thay cho việc viết tay.
Ðau đáu với tương lai...
Nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi chia sẻ: “Tôi rất lo lắng nếu một ngày kia thế hệ già chết đi thì sẽ mang theo cả “kho báu” của người Tày xuống lòng đất. Rồi thế hệ con cháu chẳng hiểu gì về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đó chính là động lực để tôi dành thời gian, công sức ngày đêm sưu tầm, truyền dạy văn hóa dân gian của người Tày Nghĩa Đô cho thế hệ trẻ”.
Những nội dung được nghệ nhân truyền dạy đa dạng như truyền dạy về phong tục, tập quán của người Tày, về nếp sống văn hoá truyền thống trong gia đình người Tày ở Nghĩa Đô, các nghi lễ trong hát then, văn hoá trang phục, ngôn ngữ Tày, các tập quán như sinh đẻ, chữa bệnh của người Tày…
Ngoài ra, khi được các trường học mời đến nói chuyện ngoại khóa về văn hóa dân gian cho các em học sinh, nghệ nhân Ma Thanh Sợi đã giới thiệu, truyền dạy cho các em những câu như tục ngữ, truyện cổ, câu đố, văn hóa ẩm thực của người Tày Nghĩa Đô. Những bài giảng của ông đã giúp các em học sinh am hiểu hơn về truyền thống văn hóa của dân tộc Tày.
Anh Hoàng Đức Sy, Bí thư Đoàn xã Nghĩa Đô chia sẻ: “Là một người được nghệ nhân Ma Thanh Sợi cùng các bác trong xã truyền dạy về hát then, đàn tính, tôi và các bạn trẻ trong xã đã có thêm động lực để lưu giữ, phát huy những giá trị văn hoá dân gian. Cách truyền dạy của nghệ nhân Ma Thanh Sợi rất sâu sắc, dễ hiểu và tâm huyết. Nhờ đó mà chúng tôi đã thành lập được Câu lạc bộ hát Then của xã Nghĩa Đô”.
Ghi nhận những đóng góp của Nghệ nhân ưu tú Ma Thanh Sợi trong sưu tầm, bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa dân gian của dân tộc Tày, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hóa dân gian” các năm 2005, 2009, 2016; Bằng công nhận phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian” năm 2009. Ngày 8/3/2018, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú nhờ những cống hiến xuất sắc trong việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.