Gắn cuộc đời với văn hóa dân tộc
Chúng tôi gặp ông Chang Văn San, dân tộc Cống trong dịp tỉnh Lai Châu tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Dù đã ở tuổi 80, ông San vẫn rất hoạt bát.
Tôi cũng không biết còn sống được đến khi nào, giờ chỉ mong sao cho lớp trẻ ý thức hơn về văn hóa truyền thống dân tộc, chịu khó học các giai điệu, các bài dân ca, dân vũ, nghi lễ cầu cúng… để giữ gìn, tiếp nối và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Cống.”
Ông Chang Văn San, Người có uy tín ở bản Lăng Phiếu
Ngồi bên chén trà thảo mộc, ông San kể: Hồi đó, khi còn trẻ, ông tham gia đội văn nghệ xã, đi biểu diễn khắp nơi trong tỉnh. Và bài dân ca của dân tộc mình mà ông yêu thích và tự hào nhất đó là bài “Tăng A Tim”.
Rồi ông cất vang tiếng hát, giai điệu bài hát vốn đã được nhạc sĩ Doãn Nho lấy cảm hứng và trở thành tác phẩm âm nhạc nổi tiếng “Chiếc khăn Piêu”.
Theo ông San, làn điệu dân ca này xuất phát từ đời sống lao động sản xuất và sinh hoạt của bà con. Khi được ghi chép lại, hát lên, đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với đồng bào dân tộc Cống. "Những làn điệu dân ca này chủ yếu do ông bà ngày xưa truyền miệng cho con cháu. Đến thời điểm hiện tại, những người cao tuổi như tôi đang cố gắng truyền lại cho thế hệ trẻ biết và hát”, ông San cho hay.
Ông San tâm sự thêm, người Cống ở Nậm Khao cũng không thể thiếu các lễ hội truyền thống, trong đó có Tết Cổ truyền quan trọng nhất là Quề La Loong, hay còn gọi là Tết Ngô. Trong thời đại hội nhập, Tết Ngô của dân tộc Cống đã nổi tiếng hơn, ông San cũng là nhân vật chủ chốt được mời đi tái hiện lại phong tục này tại nhiều sự kiện lớn.
Trao truyền văn hóa truyền thống
Ông San tâm sự, ở xã Nậm Khao có hai bản người Cống là nơi sinh sống của 280 hộ với 1.106 nhân khẩu. Dù dân số ít nhưng lại có 83 đảng viên, đây là tỷ lệ khá cao. Ông San cười hiền: “Tôi cũng được hơn 60 năm tuổi Đảng rồi”.
Được kết nạp Đảng năm 1963, lúc đang công tác tại UBND xã. Là một đảng viên, già làng, Người có uy tín trong bản, ông San đã nỗ lực vận động các gia đình cho con em đến trường học, xây dựng nếp sống mới và thực hiện các nghĩa vụ công dân như vận động thanh niên đủ tuổi tòng quân bảo vệ Tổ quốc hay hôn nhân đúng pháp luật…
“Chúng tôi quan niệm tất cả dân tộc trên đất nước Việt Nam đều là con cháu Bác Hồ. Nên ngay chuyện trai, gái tìm hiểu, kết hôn cũng không còn bó buộc trong dân tộc mình nữa. Còn có nhiều cháu dân tộc Cống được đi học tại các trường dân tộc nội trú của tỉnh, từ nền tảng đó có cháu đã học lên đại học, ra trường về phục vụ, xây dựng quê hương”, ông San nói.
Bản làng người Cống đang ngày càng phát triển, sự giao thoa văn hóa giữa các vùng cũng khiến văn hóa truyền thống bị mai một. Đây là trăn trở lớn nhất của người già làng đảng viên này.
Bởi vậy, những năm qua, ông San đã không quản gian khó tập hợp người trẻ để “mở lớp” tại nhà truyền dạy văn hóa và khơi gợi đam mê tìm tòi, học hỏi trong họ.
Đánh giá về ông Chang Văn San, Phó Chủ tịch xã Nậm Khao Lò Văn Hạnh khẳng định: “Ông Sang là Người có uy tín tận tâm, trách nhiệm với công việc cộng đồng, được Nhân dân tin yêu, kính trọng. Ông cũng có nhiều công lao giúp giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa của người Cống trên địa bàn”.
Với những nỗ lực, cống hiến, ông Chang Văn San đã nhận được nhiều Giấy khen, Bằng khen. Đặc biệt, ông còn vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tại Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến là Người có uy tín trong đồng bào DTTS toàn quốc năm 2023.