Tham dự buổi họp báo còn có ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh; ông Trần Phong Ba, Chủ tịch UBND huyện Cầu Kè, Phó Trưởng Ban Thường trực lễ hội; đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ; Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và Công an tỉnh.
Thông tin tại buổi họp báo, ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu Lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024 sẽ diễn ra trong 7 ngày, từ ngày 25/8 - 31/8 (nhằm ngày 22 - 28/7 âm lịch), với 12 hoạt động chính gồm: Chương trình khai mạc Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh vào lúc 20 giờ, ngày 25/8 tại Quảng trường huyện Cầu Kè.
Bên cạnh đó, các hoạt động khác cũng được diễn ra như: Hội thảo về cây Dừa sáp; Trưng bày các sản phẩm đặc sản trái ngon của tỉnh Trà Vinh như: Dừa sáp; Măng cụt, Sầu riêng, Chôm Chôm Tân Quy; Cam Sành, Xoài Cát Hoà Lộc, chuối Táo Quạ...; Hội thi chế biến 100 món ăn ngon từ dừa sáp; Tọa đàm “Du lịch Cầu Kè - Tiềm năng ven sông Hậu”. Hội chợ Thương mại; Không gian ẩm thực; Liên hoan Lân sư rồng; Trưng bày hình ảnh Văn hóa phi vật thể Quốc gia Lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè; các hoạt động thể thao, trò chơi dân gian; các hoạt động tín ngưỡng thờ Ông Bổn.
Đặc biệt, Chương trình khai mạc Tuần lễ Vu lan Thắng hội gắn với công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận Lễ hội Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, được tổ chức vào lúc 19 giờ, ngày 27/8 tại Quảng trường huyện Cầu Kè.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Lê Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội cho biết, Festival 100 năm Dừa sáp Trà Vinh và Tuần lễ Vu lan Thắng hội huyện Cầu Kè năm 2024, là sự kiện đặc biệt, lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Trà Vinh, nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu, những giá trị đặc sắc của dừa sáp Trà Vinh và khẳng định sự nỗ lực, quyết tâm đưa các sản phẩm chế biến từ dừa sáp ra thị trường thế giới.
Đồng thời, tạo điều kiện giao thương hàng hóa, kết nối cung cầu, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản và du lịch với mong muốn giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước; cũng như tiếp tục bảo tồn, giữ gìn và phát huy Lễ hội Vu lan Thắng hội.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Trà Vinh, trong gần 20 năm trở lại đây (2005-2024) diện tích dừa sáp của Trà Vinh tăng rất nhanh (từ 43 ha năm 2005, lên 170 ha năm 2017) và đạt 1.277,6 ha (tương đương khoảng 250.000 cây dừa) năm 2024, chiếm 4,67% diện tích dừa sáp chung của toàn tỉnh.
Trong đó, có khoảng 70 ha dừa sáp được các nhà vườn trồng theo tiêu chuẩn VietGap, áp dụng phương pháp thụ phấn trợ lực để tăng tỉ lệ sáp trên mỗi buồng dừa); tốc độ tăng bình quân hàng năm đạt 19,54% tương đương mỗi năm trồng mới khoảng 65 ha.Hiện, diện tích dừa sáp đang cho trái là 903,35 ha (tương đương khoảng 180.000 cây dừa).
Dừa sáp ở Trà Vinh được trồng tập trung nhiều nhất ở huyện Cầu Kè (1.145,7 ha) và trồng rải rác tại một số huyện khác của tỉnh. Trước đây, không phải vùng đất nào cũng trồng được cây dừa sáp, chỉ riêng Trà Vinh, đặc biệt tại huyện Cầu Kè - nơi khởi phát cây dừa sáp ở Việt Nam, là trồng được loại dừa này.
Tuy nhiên, hiện nay dừa sáp đã được trồng ở một số tỉnh khu vực ĐBSCL. Hiện tại, tỉnh Trà Vinh có 05 giống dừa sáp được trồng phổ biến, gồm: sáp tròn, sáp dài, sáp có cạnh, sáp vỏ xanh, sáp vỏ vàng. Về năng suất, dừa sáp thường cho tỉ lệ sáp từ 20-30% trong tổng số trái trên 01 buồng, bình quân mỗi năm cho khoảng 20-25 trái/cây. Đối với dừa sáp nuôi cấy phôi tỉ lệ cho sáp từ 75-80% trong tổng số trái trên 01 buồng, bình quân mỗi năm cho khoảng 55-60 trái/cây.
Song song với việc tăng diện tích, thì sản lượng cũng tăng lên rất nhanh 3.164.408 trái dừa sáp năm 2024, bình quân mỗi năm tăng 18,86% (tương đương tăng khoảng 160.300 trái/năm). Dừa sáp có giá cao gấp 10 lần dừa thường, từ năm 2000 trở lại đây giá dừa sáp đã tăng cao và trở thành loại dừa có giá đắt nhất Việt Nam.
Giá dừa sáp hiện nay dao động từ khoảng 70.000-120.000 đồng/trái, tùy theo chất lượng và thể tích trọng lượng trái. Mỗi năm 1 cây dừa sáp thường (25 trái) cho giá trị tương đương 2 triệu đồng; dừa sáp nuôi cấy phôi (60 trái) tương đương 4,8 triệu đồng.
Lễ cúng ông Bổn của người Hoa ở thị trấn Cầu Kè diễn ra từ ngày 25 - 28/7 âm lịch hàng năm. Tín ngưỡng thờ ông Bổn đã có từ rất lâu, được người Hoa xem trọng và tổ chức thờ cúng với quy mô lớn. Từ đó, người Hoa kết hợp Lễ cúng ông Bổn và Lễ Vu lan gọi là Lễ Vu lan Thắng hội, nhằm tăng vai trò tín ngưỡng trong lễ hội, làm cho phần hội được sinh động hơn, náo nức hơn, thu hút được nhiều người dân đến tham dự hơn.