Thực hiện Chương trình MTQG 1719, năm 2023, huyện Trà Cú đã giải ngân gần 15 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho 360 hộ đồng bào Khmer, hỗ trợ chuyển đổi nghề 65 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt 27 hộ. Cùng với đó, huyện đầu tư gần 16,6 tỷ đồng xây dựng 16 công trình, duy tu 8 công trình hạ tầng nông thôn.
Chia sẻ với phóng viên, ông Thạch Khane, Người có uy tín ấp Giồng Chanh A, xã Long Hiệp cho biết: “Nhờ triển khai thực hiện tốt Chương trình MTQG 1719, đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Giao thông nông thôn được đầu tư xây dựng, đường làng ngõ xóm khang trang, sạch đẹp; điện, nước sinh hoạt đã về với từng nhà; y tế, giáo dục đều có bước phát triển so với trước”.
Cùng với đầu tư kết cấu hạ tầng, chính quyền huyện Trà Cú chú trọng đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ hộ nghèo cải thiện thu nhập. Như ở ấp Xoài Rụm, xã Kim Sơn, gia đình ông Kim Phênh thuộc diện khó khăn đã được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để phát triển kinh tế. Ông Phênh đầu tư xây dựng chuồng, thuê đất trồng cỏ và nuôi 5 con bò cái sinh sản. Mỗi năm, gia đình ông có thu nhập khoảng 90 triệu đồng từ chăn nuôi bò và buôn bán nhỏ.
Nhờ triển khai kịp thời Chương trình MTQG 1719, mức sống của đồng bào Khmer ở Trà Cú được nâng cao rõ rệt. Đến cuối năm 2023, hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều còn 1.011 hộ (chiếm 2,33%); 1.223 hộ cận nghèo (chiếm 2,81%); trong đó, hộ nghèo dân tộc Khmer 744 hộ (chiếm tỷ lệ 2,78% so với tổng số hộ Khmer), hộ cận nghèo còn 1.214 hộ (chiếm 2,79%); thu nhập đầu người đạt 62,8 triệu đồng/người/năm.
Theo bà Sơn Thị Thiêng, Trưởng phòng Dân tộc huyện Trà Cú, sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình MTQG 1719, đổi thay lớn nhất là kết cấu hạ tầng ở các xã đặc biệt khó khăn đã được đầu tư hạ tầng khang trang, sinh kế được quan tâm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Với nguồn vốn chính sách tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, toàn huyện đã có hàng ngàn lượt hộ đồng bào Khmer chuyển đổi sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.
Ông Lê Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Trà Cú cho biết: Với Chương trình MTQG 1719, đã có nhiều dự án sớm phát huy hiệu quả. Các công trình hạ tầng phục vụ dân sinh được đầu tư, nhiều vấn đề khó khăn cấp thiết của đồng bào Khmer đang từng bước được giải quyết, nhất là việc hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở, chuyển đổi nghề, tạo điều kiện cho nhiều hộ đồng bào vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Đồng thời, xuất hiện những mô hình điển hình về thoát nghèo bền vững của đồng bào Khmer.
“Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), UBND tỉnh Trà Vinh đã tổ chức Lễ công bố quyết định công nhận huyện Trà Cú đạt chuẩn nông thôn mới năm 2023. Đây là động lực lớn để năm 2024 và những năm tiếp theo, Trà Cú tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các Chương trình MTQG, thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống người dân”, ông Bình cho biết.
Có thể khẳng định, việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình MTQG 1719 đã cụ thể hóa sự quan tâm chăm lo của Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển mọi mặt của đồng bào DTTS nói chung, đồng bào dân tộc Khmer nói riêng. Qua đó, tạo động lực để đồng bào vươn lên, chung tay xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.