TP. Cần Thơ có 27 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống, với trên 38.000 người, chiếm tỷ lệ 3,04% trên tổng dân số. Trong đó, đồng bào dân tộc Khmer chiếm 62,3% trên tổng dân số DTTS. Đối với đồng bào dân tộc Khmer, ngôi chùa là công trình kiến trúc nghệ thuật; là nơi để đồng bào dân tộc thực hiện nghi lễ của Phật giáo. Đồng thời, đây cũng là nơi dạy chữ Khmer, tổ chức lễ hội, truyền bá kinh nghiệm sản xuất; giáo dục đào tạo con em của đồng bào dân tộc nhằm để bảo tồn giá trị văn hoá như: tiếng nói, chữ viết, hoa văn kiến trúc...
Ông Nguyễn Thực, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết, đồng bào dân tộc Khmer và sư sãi Khmer rất có trách nhiệm và ý thức cao trong việc giữ gìn và phát huy tốt các lễ hội văn hoá dân tộc, tôn giáo đi vào đời sống, tinh thần như: lễ cưới, mừng năm mới (Chôl Chnăm Thmây), lễ giỗ ông bà quá cố (Sene Đôn ta), lễ mừng được mùa (Ooc Om Boc - đua ghe Ngo)...
Nhằm phát huy các giá trị văn hóa và "tạo sinh kế" bền vững cho đồng bào Khmer, TP. Cần Thơ rất chú trọng triển khai các cơ chế chính sách đặc thù, tạo điều kiện để hoạt động Phật sự chung của giáo hội Phật giáo được viên mãn, trong đó có giáo dục và đào tạo được cả Phật học lẫn Thế học.
Từ thực tế cho thấy, nhiều loại hình văn hóa - nghệ thuật truyền thống của đồng bào DTTS được phục hồi và phát triển, trở thành "món ăn tinh thần" không thể thiếu trong các dịp lễ, tết của cộng đồng DTTS thành phố. Ngoài ra, thành phố đã quan tâm, hỗ trợ đồng bào dân tộc Khmer trong việc học tiếng mẹ đẻ. Cung cấp thông tin tuyên truyền bằng tiếng Khmer cho đồng bào, thông qua việc phát hành Báo Cần Thơ Khmer ngữ và Chương trình phát thanh, truyền hình tiếng Khmer phát sóng 60 phút/ngày; Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TP Cần Thơ phát sóng tiếng Khmer 5 giờ/ngày.
Qua đó, đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần rất lớn trong việc thông tin chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về tình hình kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, trật tự an toàn xã hội… góp phần giữ gìn tiếng nói, chữ viết, văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer.
Đơn cử như trong dịp lễ Ooc Om Bok vừa qua, lãnh đạo TP. Cần Thơ đã vận động từ các nguồn lực hơn 400 triệu đồng, đóng 6 chiếc nghe Ngo mini trao cho Hội Đoàn kết SSYN TP. Phố để trao cho 6 đơn vị thuộc hệ phái Nam tông Khmer gồm: Học viện Phật giáo Nam tông Khmer; các chùa Pô Thi Som Rôn và Sanvor Pô Thi Nhen (quận Ô Môn), Neryvone và Prum Mani Vongsa (huyện Thới Lai), Pitu Khôsa Răngsây (quận Ninh Kiều); đầu tư đóng mới một ghe Ngo đủ điều kiện tham gia các giải đấu trong khu vực gần 1 tỷ đồng.
Trao đổi về cuộc sống của đồng bào dân tộc Khmer, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cho biết thêm, TP. Cần Thơ đặc biệt quan tâm triển khai thực Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10/1/2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới. Theo đó, có rất nhiều phần việc được thực hiện trên các lĩnh vực khác nhau như: tạo sinh kế để đồng bào thoát nghèo bền vững, quan tâm tạo điều để Học Viện phật giáo Nam tông Khmer xứng tầm từ quy mô đào tạo đến đầu tư hạ tầng... Đặc biệt, Thành phố luôn quan tâm đến việc bảo tồn, phát huy văn hoá bản sắc của đồng bào.
“Việc chúng tôi trao 6 ghe Ngo Mini và đầu tư 1 ghe Ngo đủ kiện tham gia Lễ hội đua ghe Ngo cấp khu vực lần này, nhằm để đồng bào tiếp tục tập luyện môn thể thao truyền thống, mang tính đoàn kết cao. Đồng bào có thể đồng tâm, hợp lực để đưa chiếc nghe về phía trước, như mong muốn của lãnh đạo thành phố đối với đồng bào các DTTS trên địa bàn là cùng chung tay với chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua, chung tay góp sức xây dựng TP. Cần Thơ trở thành TP. Trung tâm vùng đồng bằng sông Cửu Long, một thành phố thân thiện, văn minh đáng sống như các Nghị quyết mà Trung ương và địa phương đề ra”, Chủ tịch Trần Việt Trường chia sẻ thêm
Được biết, sự kiện huy động nguồn lực để đóng ghe Ngo trao cho các chùa Khmer, cũng là một trong những hoạt động của TP. Cần Thơ chào mừng Kỷ niệm 20 năm thành phố trực thuộc Trung ương. Tiếp tục đưa Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ sớm khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Thành phố đối với vùng Đồng bằng Sông Cửu Long.