Nghệ nhân Tòng Văn Hân chia sẻ, ông bắt đầu tập trung sưu tầm, nghiên cứu văn hóa một cách bài bản, chuyên sâu từ thời điểm cách đây khoảng 10 năm. Đó là vào năm 2009, nghệ nhân Tòng Văn Hân chính thức trở thành hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam.
Khi vừa kết nạp vào Hội, ông đã ký được hợp đồng tài trợ để xuất bản cuốn sách “Quả còn” của người Thái. Với vốn kiến thức am hiểu tường tận về văn hóa dân tộc Thái, nghệ nhân Tòng Văn Hân đã khiến nhiều người bất ngờ về ý nghĩa của quả còn. Qua nghiên cứu của ông, nhiều người hiểu thêm quả còn không đơn thuần là một trò chơi mà nó còn là “vật thiêng” trong đám cưới, đám ma của cộng đồng người Thái.
Tiếp nối kết quả của hành trình miệt mài nghiên cứu, năm 2015, nghệ nhân Tòng Văn Hân tiếp tục cho “ra lò” cuốn sách “Văn hóa ẩm thực của người Thái”. Sau khi phát hành, cuốn sách trở thành “cẩm nang” không thể thiếu cho nhiều hộ gia đình làm du lịch cộng đồng ở Bản Ten, xã Thanh Xương; bản Co Mỵ, xã Thanh Chăn… tham khảo để nấu ăn phục vụ khách du lịch.
Bên cạnh những cuốn sách gây được tiếng vang lớn trong lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân tộc, năm 2018, nghệ nhân Tòng Văn Hân còn nhận được giải B với tác phẩm “Các bài hát dân gian của người Thái ở Mường Thanh” tại Cuộc thi sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016-2020, do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.
Tác phẩm là những sưu tầm, nghiên cứu công phu, có tính phát hiện, sáng tạo, đạt chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật, góp phần tuyên truyền nâng cao nhận thức về tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, cổ vũ Nhân dân các dân tộc hăng hái thi đua yêu nước, góp phần quảng bá hình ảnh của quê hương Điện Biên.
Đồng thời, tác phẩm còn có tác dụng tuyên truyền sâu rộng mục đích, ý nghĩa, giá trị thiết thực của việc học tập và làm theo Bác. Nghệ nhân Tòng Văn Hân chia sẻ: “Đây là sự cổ vũ động viên rất lớn đối với cá nhân tôi và đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Thông qua tác phẩm đã gửi gắm được tấm lòng, thể hiện tình cảm trân trọng và biết ơn đối với Bác của cộng đồng các dân tộc tỉnh Điện Biên”.
Sau hơn 20 năm rong ruổi trên khắp nẻo đường, tìm đến từng bản làng của người Thái sinh sống để tìm hiểu, đến nay, nghệ nhân Tòng Văn Hân đã có 10 công trình nghiên cứu được xuất bản thành sách, với ông đó là tài sản vô giá của người làm công tác nghiên cứu văn hóa. Ông cho biết, ông sẽ tiếp tục dành thời gian nghiên cứu sâu hơn về văn hóa dân tộc Thái tỉnh Điện Biên để bảo tồn, truyền dạy những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình cho thế hệ trẻ.
HỒNG MINH