Theo như nhà thơ Bằng Việt, từ năm 1954, mảnh đất Hà Nội đón nhận cuộc di dân từ các tỉnh để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đến nay, Hà Nội còn đón nhận xu thế hội nhập với thế giới mạnh mẽ nhất cả nước. Để rồi Hà Nội trở thành cái nôi của văn hóa, nghệ thuật, khoa học và đặc biệt, trở thành nơi gắn với những giá trị gọi là thanh lịch, văn minh. Và trong suốt hơn 1 thiên niên kỷ, những giá trị của Hà Nội là kết tinh từ những gì mà người dân Hà Nội cố gắng tạo dựng, duy trì và để lại, bằng ý thức, tình yêu với mảnh đất mình đang sống.
Hiện tại, có 107.847 người thuộc 50/53 thành phần DTTS đang sinh sống trên địa bàn TP. Hà Nội, chiếm 1,3% dân số toàn Thành phố. Đồng bào DTTS cư trú tập trung theo cộng đồng tại 153 thôn, thuộc 14 xã của 5 huyện là Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức và Chương Mỹ. Trong đó, đông nhất là các dân tộc Mường, Dao, Tày, Thái, Nùng... 14 xã vùng DTTS có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển KT-XH và bảo vệ môi trường sinh thái của Thành phố.
Trong chiến lược phát triển từ nay đến năm 2025, Hà Nội đề ra mục tiêu, nhiệm vụ tiếp tục tập trung huy động mọi nguồn lực để phát triển toàn diện KT-XH vùng DTTS của Thành phố, gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Đến năm 2024, cơ bản không còn hộ nghèo; 90% trường học đạt chuẩn quốc gia; 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Với 1010 năm tuổi, Hà Nội lọt vào danh sách ít ỏi khoảng 30 thủ đô trên thế giới có độ tuổi ngàn năm. Thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2030, Hà Nội xác định trở thành trung tâm sáng tạo của cả nước. UBND TP. Hà Nội đã xây dựng Hồ sơ “Hà Nội - Thành phố sáng tạo” đề cử tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Quá trình tham vấn trong nước và quốc tế từ năm 2018 - 2019 đã chỉ ra và nhấn mạnh những lợi thế về truyền thống, nguồn lực, động lực trong thiết kế sáng tạo của Hà Nội, cũng như bối cảnh phát triển năng động của Thủ đô và đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế giai đoạn mới.
Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội là một sự kiện có ý nghĩa lịch sử to lớn, không chỉ góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, đồng thời khơi dậy trong Nhân dân Thủ đô và cả nước niềm tự hào về truyền thống lịch sử, văn hóa ngàn năm văn hiến của Thăng Long - Hà Nội Anh hùng.
Việc tổ chức các hoạt động Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội nhằm nêu bật định hướng phát triển lâu dài của Hà Nội trên nền tảng lịch sử, văn hóa, truyền thống ngàn năm văn hiến; tầm vóc, vị thế và sức mạnh nội sinh; thể hiện ý chí, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô trong xu thế hội nhập quốc tế.