Di tích đền thờ Po Cei Khai Mâh Bingu
Vị trí di tích đền thờ Po Cei Khai Mâh Bingu nằm trong khu rừng (Kalong) thuộc địa phận huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận. Theo ông Thông Dừa (35 tuổi) một chức sắc Pajau cho biết: Po Cei Khai Mâh Bingu là con trai của Po Haniim Par. Khu thờ Po Cei Khai Mâh Bingu là một ngôi mộ được đắp bằng cát. Xung quanh ngôi mộ là hệ thống vòng thành được làm bằng những viên đá xếp chồng lên nhau cao khoảng 50cm. Hệ thống vòng thành bằng đá gồm có 2 lớp, bên trong được phân chia ra thành khu vực như sau:
Khu vực nhà bếp (ở phía Tây Nam): Dùng làm nơi bảo quản lương thực thực phẩm và chế biến thức ăn để dâng lễ vật cúng cho thần linh. Khu vực thờ thần sấm sét (ở phía Đông), đền thờ thần sấm sét được xây bằng những viên đá xếp chồng lên nhau. Khu vực thờ thần sấm sét do các chức việc (Halau Balang) phụ trách việc cúng kính.
Khu vực dành cho bộ phận chức việc (ở phía Đông Nam), các Halau Balang ngồi tập trung tại một khu vực riêng gần lối ra vào đối diện với khu vực nhà bếp. Họ có nhiệm vụ bảo vệ, kiểm soát các lễ vật người dân mang đến cúng lễ. Ở vị trí trung tâm chỉ dành các chức sắc Acar, Maduen, Ka-ing, Kadhar, Pajau, người múa lễ và ban nhạc lễ. Người dân chỉ bước vào khu vực trung tâm khi dâng lễ và khấn vái.
Ngoài hệ thống vòng thành đá làm không gian thờ chính, cách đó khoảng 1km còn có dấu tích thành lũy được xây dựng bằng những tảng đá xếp chồng lên nhau cao 1-2m có chiều dài khoảng 5km. Theo ông Đồng Văn Long ở khu phố Chăm (thị trấn Lạc Tánh) cho biết, chức năng của thành lũy đá dùng để săn thú rừng.
Nghi lễ cúng Po Cei Khai Mâh Bingu
Theo người chủ trì nghi lễ, có thể phân chia nghi lễ cúng Po Cei Khai Mâh Bingu gồm có 3 nghi lễ chính: Nghi lễ Pa-mruai do chức sắc Po Acar làm chủ trì, nghi lễ Rija Harei do chức sắc Ka-ing và Maduen thực hiện và nghi lễ cúng Abu Rieng do chức sắc Kadhar và Pajau đảm nhận. Lần lượt các nghi lễ trên được tiến hành liên tục và kéo dài từ chiều tối cho đến sáng sớm ngày hôm sau.
Nghi lễ Pa-mruai
Các chức sắc Acar ngồi ở hướng Nam đối diện với ngôi mộ được đắp bằng cát, vị chức sắc có hàng giáo phẩm cao nhất là ông Imâm. Trước mặt của ông Imâm đặt một chén lửa than để đốt trầm. Khi ông Imâm bắt đầu đọc kinh bằng tiếng Ả Rập thì các chức sắc Acar cùng đọc theo bài kinh. Công việc của chức sắc Acar chỉ đọc kinh hành lễ không có dâng lễ vật. Trong lúc, các Acar đọc kinh người dân chấp tay khấn vái, cầu mong những điều tốt đẹp trong cuộc sống, cầu cho mưa thuận gió hòa, gia đình bình an và hạnh phúc. Nhiệm vụ của chức sắc Acar chỉ thực hiện nghi lễ Pa-mruai. Họ có một bàn tổ riêng trong khu vực thờ cúng Po Cei Khai Mâh Bingu. Tại bàn tổ của chức sắc Acar có đặt 1 nải chuối, khay trầu cau, trái cây, bánh ngọt và ấm nước trà.
Nghi lễ Rija Harei
Tại lễ cúng Po Cei Mâh Bingu chức sắc Maduen thỉnh mời thần linh, vừa vỗ trống Baranâng vừa hát về truyền thuyết các vị thần. Chức sắc Ka-ing rót rượu mời thần và múa lễ chính. Ban nhạc lễ gồm có trống Ginang, kèn Saranai và chiêng hòa tấu với nhau để cho ông Ka-ing múa. Ngoài ra, còn có một ban nhạc lễ của người Chu Ru tham gia gồm một cái trống (dùng để vỗ giữ nhịp bằng tay không dùng cây dùi gõ như trống Ginang của người Chăm), lục lạc (grong) và kèn Kabot (kèn bầu).
Đạo cụ của ông Ka-ing trong nghi lễ Rija Harei chỉ có khăn tay màu đỏ, quạt giấy và cây roi mây. Trong suốt cuộc lễ ông Ka-ing múa di chuyển lui về phía sau và tiến về phía trước động tác tay khoan thai, chân bước nhẹ nhàng theo nhịp điệu tiếng trống Ginang của ban nhạc lễ. Tuy nhiên, khi thần nhập hồn vào ông Ka-ing, toàn thân run lên, ông Ka-ing lấy cây ná và cây chà gạc xông lên khói trầm. Hai binh khí này, là của Po Cei Khai Mâh Bingu sử dụng để đi rừng và săn bắt thú vật.
Lễ vật chính là một con dê được luộc chín xé nhỏ sắp đặt trên mâm làm bằng vỉ tre. Thịt dê được chia ra làm 2 mâm, bao gồm phần Patuei và phần kalai. Lễ vật mang theo của người dân có gà, trầu cau, trứng, rượu, trái cây và quả dừa khô… Bên cạnh đó, mỗi gia đình đi cúng lễ họ có mang theo một cái chiết (Ciét) đựng trang phục dành cho người quá cố và 1 cây roi mây.
Nghi lễ cúng Abu Rieng
Ngay sau khi các chức sắc Ka-ing và Maduen dâng lễ xong, các chức sắc ông Kadhar và Pajau tiếp tục sắp xếp lễ vật để dâng cúng. Lễ vật dâng cúng chính là 1 cặp gà thịt gà luộc, có 1 con gà trống và 1 con mái. Ngoài ra, còn có khay trầu cau, 2 quả trứng, 1 chén cơm (lisei hop), 10 chén canh, 4 chén cơm và 1 xị rượu.
Mở đầu nghi lễ, chức sắc Kadhar đốt trầm khấn mời thần linh đến chứng kiến và nhận lễ vật. Nội dung lời khấn nói về mục đích của người dân đến dâng lễ và các lễ vật cúng cho thần linh. Thông qua việc dâng lễ, cầu xin các vị thần phù hộ độ trì, cầu cho mưa thuận gió hòa, cuộc sống người dân được bình an, ấm no và hạnh phúc.
Khi cúng cho Po Cei Khai Mâh Bingu thì các chức sắc Kadhar và Pajau hát kể về tiểu sử và công đức của thần. Ông Kadhar vừa kéo đàn Kanyi vừa hát thánh ca, các chức sắc khác đồng thanh hát theo. Bài hát gần đến đoạn cuối, các chức sắc và người dân xếp thành vòng tròn múa mừng di chuyển xung quanh ngôi mộ Ngài cho đến khi kết thúc bài hát. Mọi người buộc khăn ngang lưng, chắp tay trên đầu khấn lạy thần và cầu mong những điều tốt đẹp đến với gia đình.
Sau phần cúng của làng, các gia đình sắp xếp lễ vật để dâng lên thần nhằm mục đích trả nợ theo lời hứa hoặc để khấn cầu thần phù hộ. Lễ vật cúng Abu Rieng gồm có 2 con cá nướng (thường là cá lóc), cháo và chè ngọt. Con cá nướng được đặt trên vỉ tre có lót lá chuối, cháo đựng trong chén đặt trên 2 mâm lễ. Mỗi mâm đặt 4 chén cháo và 1 đĩa xôi. Một lượt cúng khoảng 8-12 gia đình, các chức sắc Kadhar và Pajau phụ giúp người dân sắp xếp lễ vật. Gia đình nào cúng gà và làm cơm hộp (lisei hop) thì lễ vật có thêm 1 trái dừa khô. Ngày hôm sau, gia đình nào có con cái khó nuôi thường xuyên bệnh tật họ xin phép được tổ chức nghi lễ đeo vòng tay, vòng chân cho đứa trẻ, các chức sắc phân công nhau thực hành nghi lễ theo nguyện vọng của người dân.
Như vậy, tín ngưỡng thờ Po Cei Khai Mâh Bingu ở trên núi đã có từ lâu. Nhưng, do địa hình núi non hiểm trở đi lại khó khăn nên người dân khu phố Chăm, thị trấn Lạc Tánh đã thỉnh thần về làng lập đền thờ để thuận tiện cho việc dâng lễ và cúng kính. Mặc dù đã lập nơi thờ phụng mới trong làng nhưng người dân vẫn tưởng niệm thần tại nơi thờ phụng cũ. Do đó, cứ chu kỳ khoảng 3-5 năm người dân lại tổ chức dâng lễ ở trên núi.
Tín ngưỡng thờ Po Cei Khai Mâh Bingu là sự tổng hợp của nhiều nghi lễ, có sự tham gia của các chức sắc Po Acar, Ka-ing, Kadhar và Pajau. Đặc biệt có cả dân tộc Chu Ru, Cơ Ho, Chăm trên địa bàn huyện Tánh Linh và Hàm Thuận Bắc cùng thực hành chung nghi lễ. Qua đó, cho thấy tín ngưỡng thờ cúng Po Cei Khai Mâh Bingu ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng các DTTS trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.